Đào tạo ngành y: “Tôi cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo”

Đào tạo ngành y: “Tôi cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo"

Xung quanh vấn đề đào tạo nhân lực trong ngành y tế, nhiều đại biểu đã trao đổi cho rằng còn nhiều bất cập và đưa ra những ý kiến thảo luận để hoàn thiện.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. (Nguồn: quochoi.vn)

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

[Hệ thống y tế: Nguy cơ có những thế hệ không đạt yêu cầu]

Sau đó, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Xung quanh vấn đề đào tạo nhân lực trong ngành y tế, nhiều đại biểu đã trao đổi cho rằng còn nhiều bất cập và đưa ra những ý kiến thảo luận để hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học hoàn thiện hơn.


Đào tạo bác sỹ nội trú 9 năm: Sẽ được quy định ở luật nào?

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ bày tỏ quan điểm về một số vấn đề liên quan đến quy định đối với đào tạo nhân lực y tế.

Theo đại biểu Yến, về quy định trình độ đào tạo của giáo dục đại học tại khoản 1 Điều 6 quy định "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sỹ và trình độ tiến sỹ". Nhưng, nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt để trở thành người bác sỹ hành nghề chuyên môn sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học. Người học còn phải thường xuyên đào tạo, cập nhật, phát triển nghề nghiệp. Trong 6 năm học tập để trở thành bác sỹ cũng không giống như những chương trình cử nhân khác.

Đại biểu Yến nhấn mạnh, chương trình đào tạo bác sỹ bao gồm các hợp phần thực hành và các giai đoạn trải nghiệm công việc trực tiếp tại các cơ sở y tế dựa trên các nền tảng lý thuyết. Nội dung chương trình đào tạo phức tạp hơn các chương trình cử nhân 4 năm, với thời gian đào tạo dài hơn từ 1 đến 2 năm. Sau đào tạo đại học là đào tạo chuyên khoa sâu, có bác sỹ chuyên khoa 1, bác sỹ chuyên khoa 2 và bác sỹ nội trú. Riêng đối với đào tạo bác sỹ nội trú là 9 năm. Những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ được nhưng trình độ và văn bằng chuyên sâu chưa được quy định trong Luật Giáo dục đại học trình lần này. Vậy, trình độ và văn bằng chuyên sâu sẽ được quy định ở luật nào.

“Quy định như ở khoản 1 Điều 6 cũng không nhất quán và đồng bộ tại Điều 73, vì, tại Điều 73 quy định giao cho Chính phủ quy định trình độ tương đương nhưng ở khoản 1 Điều 6 lại không có. Chính phủ sẽ căn cứ vào đâu, vào cơ sở pháp lý nào để Chính phủ quy định. Đồng thời, nếu Điều 73 đã quy định giao cho Chính phủ quy định trình độ tương đương thì điều đó chứng tỏ ban soạn thảo đã công nhận còn có những trình độ thuộc giáo dục đại học mà không phải là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Vậy, chương trình đào tạo bác sỹ chuyên sâu như bác sỹ chuyên khoa 1, bác sỹ chuyên khoa 2 và bác sỹ nội trú là tương đương với chương trình đào tạo nào và tương đương với văn bằng nào. Do đó, cần phải có quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế,” đại biểu Yến phân tích.

“Từ những phân tích trên, tôi đề nghị bổ sung và sửa khoản 1 Điều 6 thành: "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ, trình độ chuyên gia. Chính phủ quy định trình độ chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng chuyên sâu đặc thù," đại biểu Yến cho hay.

Thứ hai, về văn bằng giáo dục đại học được quy định tại khoản 1 Điều 38. Để nhất quán và đồng bộ với quy định tại khoản 1 Điều 6, tôi đề nghị bổ sung và sửa khoản 1 Điều 38 thành: "Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cử nhân, bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ, bằng chuyên gia. Chính phủ quy định văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu."

Đại biểu Yến nhấn mạnh, nghề y là một nghề đặc biệt và đào tạo nhân lực y tế là đào tạo đặc biệt, là vấn đề liên ngành quy định về đào tạo, quy định về đào tạo thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo Luật Giáo dục đại học. Quy định về hoạt động chuyên môn y tế do Vụ Y tế chủ trì theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật chuyên ngành. Quy định về tài chính như chi phí cho đào tạo, thù lao cho giảng viên và người học tại bệnh viện do Bộ Tài chính chủ trì theo luật về giá, luật về phí. Quy định về chế độ đãi ngộ thì do Bộ Nội vụ chủ trì.

Vì vậy, cần phải được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể, minh bạch và nhất quán. Do đó, tôi đề nghị sửa đổi Điều 73, sẽ bổ sung từ "chuẩn" vào trước cụm từ "chương trình đạo tạo" thay cụm từ "trình độ tương đương" bằng cụm từ "trình độ chuyên gia" và tách Điều 73 thành 2 khoản để nhất quán và đồng bộ với khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 38.

Như vậy, khoản 1 Điều 73 sẽ được sửa lại là "Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật". Khoản 2 "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo chuẩn chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ chuyên gia, văn bằng, chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù."

“Tôi cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo”

Trong phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Nguyệt - Đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giáo dục đại học trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, với vai trò là một cán bộ đang công tác trong ngành y tế.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt - Đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đại biểu Nguyệt, về trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Có thể nói đào tạo nhân lực y tế là loại hình đào tạo đặc biệt, đặc biệt ở đây là đặc biệt cả về thời gian đào tạo, hình thức đào tạo cũng như văn bằng, chứng chỉ. Để trở thành bác sĩ hành nghề chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường đại học cần phải thêm ít nhất từ 2-3 năm đào tạo chuyên sâu theo hướng đào tạo hàn lâm nghiên cứu gồm có thạc sĩ, tiến sĩ và hướng đào tạo hành nghề chuyên môn gồm chuyên khoa, chuyên khoa sâu như bác sĩ nội trú chuyên khoa I và chuyên khoa II. Bên cạnh đó, cán bộ y tế còn phải thường xuyên đào tạo cập nhật kiến thức và việc học đối với cán bộ y tế gần như suốt đời và không bao giờ là đủ.

Đối với loại hình đào tạo bác sĩ nội trú, có thể nói đây là nguồn nhân lực tinh túy, chất lượng cao của ngành y tế. Đối với loại hình đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, đây là đội ngũ cán bộ chủ lực trong công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các bệnh viện có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện chuyên môn của ngành y tế. Các loại hình đào tạo này đã tồn tại mấy chục năm nay, được hệ thống giáo dục xã hội và thế giới công nhận.

“Bản thân tôi cũng là một bác sỹ chuyên khoa I, tôi rất băn khoăn khi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu. Trong khi thực tế, đây không phải vấn đề mới do thực chất Điều 39 Luật Giáo dục năm 1998 đã quy định và có những hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật, nhưng không hiểu sao trong những luật sau thì không quy định loại hình đào tạo cũng như loại văn bằng này.

Tôi và rất nhiều cán bộ y tế trong ngành cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung và rất tâm tư khi không biết mình đang đứng ở đâu và được ai công nhận. Nếu như trong dự luật lần này tiếp tục không quy định thì có thể phải 10 năm nữa những người như chúng tôi tiếp tục hành trình tìm lại chính mình do đã bị pháp luật bỏ quên. Do đó, tôi đề nghị ngay trong dự thảo luật lần này cần quy định rõ trong khoản 1 Điều 6 trình độ tương đương với trình độ thạc sỹ, tiến sỹ hoặc trình độ chuyên gia, điều này cũng phù hợp với thực tiễn trong nước và trên thế giới,” đại biểu Nguyệt nêu rõ.

Về phân loại cơ sở giáo dục đại học. Như đại biểu Nguyệt đã nêu, trong đào tạo y khoa có 2 hướng là hàn lâm nghiên cứu và hướng đào tạo hành nghề chuyên nghiệp, cả 2 hướng này đều rất quan trọng và thực hiện đồng thời để đáp ứng yêu cầu của hệ thống. Nếu theo quy định tại khoản 4 Điều 7 xác định cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu hoặc cơ sở giáo dục đại học định hướng giáo dục, đại biểu lo ngại các cơ sở giáo dục đại học chuyên về lĩnh vực y tế sẽ không biết xếp vào nhóm nào. Bởi các cơ sở giáo dục đại học chuyên về lĩnh vực y tế thường đào tạo theo cả 2 hướng là đào tạo theo hướng nghiên cứu và đào tạo theo hướng ứng dụng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc lại điều này.

Ba là về quản lý nhà nước, quản trị và tự chủ giáo dục đại học, trong dự thảo luật có tới 10 cụm từ "cơ quan có thẩm quyền", đại biểu đề nghị làm rõ đó là những cơ quan nào. Luật cũng cần có những quy định về vai trò các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là ngành y tế vì quá trình học tập gắn liền với các cơ sở y tế, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định chuyên môn như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược...

“Các quy định về chuẩn chương trình kiểm định chất lượng, tổ chức đào tạo, giảng viên phải phù hợp với nguyên lý giáo dục, phù hợp với yêu cầu chuyên môn để không ảnh hưởng tới chất lượng chung của y tế. Do đó, tôi đề nghị các Điều 33, 49, 54, 65, 68, 69 và Điều 73 cần phải làm rõ. Ví dụ, Điều 32 quy định về tự chủ trong đó có mở ngành nhưng Điều 33 quy định đối với mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Như vậy, có thể hiểu các trường chuyên ngành y tế sẽ không được tự chủ và như vậy có thể có được tự chủ xác định mức thu học phí như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 65 hay không,” đại biểu Nguyệt phân tích.

Mặt khác, việc tự chủ là một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực y tế, tự chủ chỉ thực hiện ở lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh còn trong lĩnh vực y tế cơ sở và y tế dự phòng thì nhà nước vẫn phải có cơ chế để bảo đảm. Chính vì vậy, cần có quy định về chính sách cho những cơ sở đào tạo các chuyên ngành về lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong... cần có quy định về việc quản lý nếu các cơ sở giáo dục đại học không thể tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị do nhà nước giao.

Tại khoản 3 Điều 54 dự thảo đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sỹ, tiến sỹ. Như vậy, trong các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa I, chuyên khoa II hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi đang tham gia giảng dạy thì sẽ công nhận họ như thế nào?

Do đó, đại biểu Nguyệt đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, điều chỉnh, bổ sung để dự thảo luật được hoàn thiện và đặc biệt được sửa đổi Điều 6, Điều 38 và Điều 73.

Quy định còn chung chung và mơ hồ

Đại biểu Quốc hội, phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên Đại học Y Hà Nội đề cập đến chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực Y khoa.

“Hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo bác sỹ đa khoa. Theo thống kê năm 2015 đạt tỷ lệ 7,61 bác sỹ và 2,2 dược sỹ trên 10.000 dân. Đó là tỷ lệ thấp so với nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng không quá thấp so với các nước đang phát triển trong khu vực. Tuy nhiên lại có sự chênh lệch lớn về số lượng và chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Chúng ta cần bác sĩ giỏi hơn là nhiều bác sĩ trình độ kém. Theo dự thảo Luật có trường đại học sẽ xác định theo hướng nghiên cứu hoặc theo hướng ứng dụng nhưng trường đại học y khoa phải bao gồm cả 2 hướng này vì y học là một môn học đặc biệt.

Chính vì vậy tôi rất mong muốn trong dự án Luật Giáo dục Đại học cần bổ sung điều khoản về bằng tốt nghiệp bác sỹ đa khoa cần trải qua một kỳ thi tốt nghiệp cả lý thuyết và thực hành với trình độ tương đương trong cả nước (National examination) để đảm bảo chất lượng đầu ra của một ngành liên quan trực tiếp đến mạng sống con người,” đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) ghi nhận việc ban soạn thảo đã bổ sung, sữa chữa nhiều nội dung mà đại biểu góp ý và cho rằng bên cạnh đó còn nhiều điểm bất cập.

Theo ông Trí, đào tạo y khoa trong Luật có điều 73 trong đó gần như gom hết vào những quy định chung, đào tạo đặc thù chuyên sâu như vậy thì giao cho Chính phủ quyết định.

“Thứ nhất quy định chung như thế còn hơi chung chung và mơ hồ. Điều thứ 2 tôi lo sợ hơn là sau này ý đó không đi được vào trong thực tế cuộc sống. Vì không biết đến bao giờ Chính phủ mới tập trung họp để triển khai giải quyết vấn đề này mà đó là những vấn đề đang còn tồn tại, tồn động rất lớn ở các trường đại học Y khoa mà dẫn đến vấn đề đào tạo bác sĩ chuyên khoa như hiện nay còn nhiều bất cập”, ông Trí nhấn manh.

Bởi thế, vị đại biểu Trí kiến nghị cần thống nhất mô hình đào tạo y khoa nói chung ở Việt Nam cho đúng với Quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục