Dấu ấn những “chiến sỹ áo trắng" Việt Nam trên đất nước Triệu Voi

Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune nhận định, sự chuyên nghiệp, tích cực, khẩn trương của các chuyên gia y tế Việt Nam đã giúp Lào có thể ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19.
Chuyến bay chuyên chở khẩn cấp số vật tư, thiết bị y tế gồm 2 triệu khẩu trang y tế, 200 máy thở và 10.000kg hóa chất khử khuẩn Chloramine B để giúp Lào ứng phó với dịch COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Sau một năm không phát hiện bất cứ ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh tại Lào bất ngờ nóng lên với số ca tăng đột biến kể từ cuối tháng 4/2021.

Trước những khó khăn của đất nước Lào anh em, không chỉ hỗ trợ tiền và rất nhiều vật tư, thiết bị y tế chống dịch, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn nhanh chóng cử các “chiến sỹ” áo trắng của Việt Nam sang hỗ trợ.

Hơn 10 ngày sát cánh trên thực địa cùng các y bác sỹ Lào tại 3/4 thành phố lớn nhất của Lào đã để lại cho các chuyên gia Việt Nam những ấn tượng khó quên.

Như tâm sự của Tiến sỹ-bác sỹ Vương Ánh Dương, Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, đối với các thành viên trong đoàn, vốn là những y, bác sỹ có nhiều kinh nghiệm, làm việc tại các bệnh viện lớn hàng đầu của Việt Nam, các chuyến công tác tham gia phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh thành trong nước là chuyện bình thường, nhưng việc được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào chống dịch lại là lần đầu tiên.

Điều đó khiến tất cả anh em trong đoàn vừa cảm thấy vinh dự, tự hào, vừa cảm thấy phải nỗ lực và trách nhiệm hơn để xứng đáng với lòng tin mà đất nước trao gửi.

Tiến sỹ Vương Ánh Dương chia sẻ thách thức đầu tiên mà đoàn phải đối mặt là phần lớn các thành viên trong đoàn đều chưa có kinh nghiệm về hệ thống y tế, chưa rõ cách thức và biện pháp phòng chống dịch của Lào có gì khác với Việt Nam.

Chính vì vậy, những ngày trước khi lên đường, mọi thành viên trong đoàn đều cố gắng tìm hiểu tối đa về các cách thức phòng chống dịch mà Lào đang áp dụng để tìm biện pháp tư vấn sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng cũng chưa chuẩn bị được nhiều.

Cảm giác lo lắng trong lần đầu tiên "xuất ngoại" đi làm nhiệm vụ quốc tế đó nhanh chóng biến mất ngay khi đoàn đặt chân đến Lào nhận được sự đón tiếp đầy thịnh tình, thắm tình đồng chí anh em, nhưng cũng rất mực tôn trọng của các bạn Lào, điều đã khiến các thành viên cảm thấy rất gần gũi, thoải mái, không có bất cứ rào cản hay khó khăn nào trong văn hóa hay trong phối hợp công việc.

Nhân viên cảng vụ hàng không Nội Bài vận chuyển những thùng hàng vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị chuyển lên máy bay sang giúp nhân dân Lào. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Thời gian rất hạn chế, mỗi tỉnh đoàn chỉ có 2-3 ngày trực tiếp làm việc với các cơ sở y tế, bệnh viện, các trung tâm cách ly…, song nhờ sự hỗ trợ tích cực của phía bạn, các thành viên trong đoàn đều thoải mái làm việc và phối hợp hiệu quả với các y, bác sỹ tại địa phương trong các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch.

Tiến sỹ Vương Ánh Dương cho biết trong thời gian từ ngày 11-22/5, đoàn đã làm việc thực tế tại tỉnh Champasak, miền Nam Lào, tỉnh Savannakhet, miền Trung Lào và thủ đô Vientiane.

Tại những nơi này, đoàn đã thăm và khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các làng, xã có tỷ lệ người mắc cao; cơ sở cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện điều trị ca bệnh nhẹ; bệnh viện điều trị ca bệnh nặng; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân.

Đoàn cũng trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh COVID-19 nặng với bác sỹ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Qua kinh nghiệm của Việt Nam, các chuyên gia về công tác dự phòng, công tác xét nghiệm, công tác quản lý vệ sinh môi trường cũng như công tác chuyên môn, y tế, công tác khám bệnh, chữa bệnh… trong đoàn đã cố gắng tối đa để đưa ra những khuyến cáo, đề xuất phù hợp nhất với điều kiện hiện có của Lào nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19.

[Lào đánh giá cao sự hỗ trợ của Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam]

Để đối phó với các biến thể mới như biến thể phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Ấn Độ với tính chất nguy hiểm hơn, lây lan mạnh hơn, có thời gian ủ bệnh dài hơn những biến chủng trước đây, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất với các đồng nghiệp Lào về thời gian phù hợp cũng như khoảng cách giữa các lần lấy mẫu xét nghiệm, tránh tình trạng sau 14 ngày hết cách ly bệnh nhân phát bệnh gây lây lan dịch trong cộng đồng; thay chiến lược xét nghiệm tập trung bằng việc đưa ra các chiến lược tăng cường xét nghiệm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện hay trong khu cách ly; tham mưu lựa chọn những cơ sở phù hợp nhất để chuyển đổi công năng những bệnh viện sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị những bệnh nhân nặng ở các địa phương…

Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune (giữa) cùng các quan chức chụp ảnh lưu niệm với Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhắc lại những điều khiến các thành viên trong đoàn ấn tượng nhất qua chuyến công tác tại Lào, Tiến sỹ Vương Ánh Dương không khỏi xúc động khi được chứng kiến, được trải nghiệm thực tế tình cảm của mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, hiểu được về mức độ sâu nặng của mối quan hệ này.

Bác sỹ Vương Ánh Dương kể về kỷ niệm mà ông cho là đáng nhớ nhất với các thành viên trong đoàn. Đó là khi đoàn đang ăn tối trong lúc công tác tại tỉnh Champasak thì nhận được tin nhắn của các bác sỹ Lào đề nghị hỗ trợ một ca sản phụ 31 tuổi, mang thai ở tuần thứ 21 và đang có nguy cơ bị suy hô hấp nặng.

Theo đánh giá chuyên môn, đoàn nhận định đây là một ca rất nặng và cần phải cấp cứu khẩn. Khi các bác sỹ trong đoàn tới nơi, các bác sỹ Lào vẫn chưa tìm ra phương pháp xử lý.

Ngay lập tức, nhóm chuyên gia y tế Việt Nam gồm 3 bác sỹ, 1 điều dưỡng và 1 kỹ sư về trang thiết bị đã nhanh chóng điều động các máy sẵn có tại tỉnh và lựa chọn 1 máy thở phù hợp nhất để cài đặt cho bệnh nhân thở, đồng thời cùng các đồng nghiệp Lào đưa ra phương án điều trị tích cực.

Nhờ vậy, chỉ sau 3-4 ngày, bệnh nhân đã dần không cần đến máy thở hỗ trợ và trở lại sinh hoạt bình thường

Khen ngợi thành tích và những đóng góp của đoàn chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào chống dịch, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune, Trưởng Ban quốc gia phòng chống COVID-19 Lào, khẳng định: “Trong thời gian công tác tại Lào, các chuyên gia y tế Việt Nam đã cùng với đội ngũ y, bác sỹ của Lào làm việc tích cực, khẩn trương tại các bệnh viện, cơ sở xét nghiệm, cơ sở cách ly kiểm soát dịch COVID-19 tại thủ đô Vientiane và các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi đang có dịch bùng phát. Đoàn đã hỗ trợ phía Lào khảo sát, đánh giá tình hình và hướng dẫn các giải pháp kiểm soát, dập dịch, quản lý ca bệnh, công tác quản trị điều hành, bảo đảm vệ sinh tại các cơ sở điều trị cho người bệnh COVID-19 ở các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương, bệnh viện dã chiến và trung tâm cách ly cấp tỉnh… Sự hỗ trợ của đoàn công tác Bộ Y tế Việt Nam đã giúp Lào có thể ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19…”

Đánh giá cao sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, không chỉ hỗ trợ tiền và các thiết bị y tế cho Lào, mà còn cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ Lào trong thời điểm nước này đang phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Kikeo khẳng định đây là biểu hiện sinh động cho thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang ngày càng tăng cường và không ngừng phát triển.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, sự hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của đoàn chuyên gia y tế Việt Nam không chỉ giúp Lào ứng phó và kiểm soát tốt hơn làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần hai tại nước này, mà những tư vấn, đề xuất của đoàn còn giúp nước bạn có những chuẩn bị tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện hiện có của Lào để có thể đối phó hiệu quả hơn với một làn sóng dịch mới có thể xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục