Đấu thầu qua mạng: "Ngại" vì tính minh bạch!

Đấu thầu qua mạng: "Ngại" áp dụng vì tính minh bạch!

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu, các đơn vị dùng ngân sách Nhà nước “ngại” đấu thầu qua mạng bởi tính minh bạch của hình thức này.
Đấu thầu qua mạng: "Ngại" áp dụng vì tính minh bạch! ảnh 1Đấu thầu qua mạng sẽ hạn chế tối đa sự can thiệp của con người để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh và tiết kiệm chi phí. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ ra việc không ít đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước đang “ngại” đấu thầu qua mạng bởi tính minh bạch của hình thức này, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định sắp tới sẽ có lộ trình vừa khuyến khích vừa ép buộc thực hiện hình thức này.

Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Luật đấu thầu, sáng nay (13/2),, ông Lê Văn Tăng cho biết, một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật đấu thầu (sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2014) là việc sẽ có riêng một chương đề cập tới vấn đề đấu thầu qua mạng.

Đây là hình thức đấu thầu, theo ông Tăng, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm chi phí.

Thống kê của đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, trong thời gian thí điểm đấu thầu qua mạng từ năm 2009 tới nay, đã có hơn 1.900 bên mời thầu, trên 1.500 nhà thầu đăng ký được phê duyệt và hơn 1.000 gói thầu thực hiện thành công.

Tuy nhiên, ông Tăng nhận định, sau đợt thí điểm, điều mà phía cơ quan quản lý nhận ra là quá trình ấy cũng gặp khó khăn nhất định về kỹ thuật nhưng cái khó lớn nhất lại chính ở tư tưởng của các đơn vị.

“Những đơn vị không muốn thực hiện thường viện cớ khó khăn như nghẽn mạng, vấn đề về công nghệ thông tin,” ông Tăng nói.

Ngoài ra, theo ông Tăng, vấn đề khác bên cạnh những lý do trên là đấu thầu qua mạng có thể đụng chạm tới quyền lợi của người đấu thầu bởi thói quen của nhiều nơi là phải gặp gỡ, nộp hồ sơ,…

Theo Cục trưởng Lê Văn Tăng, vấn đề này cần được kiên trì thực hiện bởi những lợi ích to lớn của hình thức đấu thầu này. Cơ quan quản lý sẽ đặt ra lộ trình về tỷ lệ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng theo từng năm. Kết hợp với những biện pháp tuyên truyền, tỷ lệ này sau đó sẽ được nâng dần lên.

“Chúng tôi chưa đặt ra thời gian khi nào 100% đơn vị phải đấu thầu qua mạng vì còn tùy vào khả năng triển khai thực tế của từng năm, lộ trình phát triển công nghệ thông tin, khả năng đào tạo nhân lực; nhưng sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ. Chúng tôi đang soạn thảo cụ thể những nội dung này trình Chính phủ,” ông Tăng nói.

Nói thêm về mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ muasamcong.mpi.gov.vn, ông Tăng cho hay, mặc dù đã kết thúc giai đoạn thí điểm nhưng hiện phía cơ quan Nhà nước vẫn duy trì mạng này. Dự kiến sẽ có một khoản đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống này./.

Luật đấu thầu năm 2013 gồm 13 chương, 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật đấu thầu năm 2005. Luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014.

Một trong những thay đổi đáng chú ý của Luật là việc bổ sung thêm phương pháp đánh giá hồ sơ để phù hợp hơn với từng loại hình và khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực. Ngoài ra, với quy định ưu đãi với nhà thầu trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay có trên 25% lao động nữ, lao động thương binh, khuyết tật, Luật đấu thầu 2013 cho thấy mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước. Bên cạnh đó, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì Luật quy định việc mua sắm tập trung để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.