Dầu vững giá ở châu Á do Mỹ-Trung Quốc nhất trí đàm phán cấp cao

Chiều 6/9, giá dầu Brent Biển Bắc nhích nhẹ 6 xu Mỹ lên 61,01 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5 xu Mỹ lên 56,35 USD/thùng.
Dầu vững giá ở châu Á do Mỹ-Trung Quốc nhất trí đàm phán cấp cao ảnh 1Cơ sở khai thác dầu thô. (Ảnh: Benzinga/TTXVN)

Dầu vững giá trên thị trường châu Á trong phiên ngày 6/9, trong đó giá 2 loại dầu chủ chốt đều hướng đến mức cao của nhiều tuần giữa bối cảnh dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh, trong khi căng thẳng thương mại dịu xuống sau khi Washington và Bắc Kinh nhất trí tổ chức cuộc đàm phán cấp cao vào tháng tới.

Chiều 6/9, giá dầu Brent Biển Bắc nhích nhẹ 6 xu Mỹ lên 61,01 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5 xu Mỹ lên 56,35 USD/thùng.

Giá dầu Brent dự kiến ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hướng đến tuần tăng giá thứ 2.

Ngày 5/9, Washington và Bắc Kinh đã nhất trí mở cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tháng 10 tới tại Washington, qua đó làm tăng hy vọng của giới đầu tư về khả năng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chấm dứt.

[Giá dầu châu Á đi xuống do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng]

Mặc dù tranh chấp thương mại kéo dài đã tác động đến giá dầu, song thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, đã tiếp thêm sức cho mặt hàng này.

Benjamin Lu, nhà phân tích hàng hóa thuộc Phillip Futures tại Singapore, nhận xét đà tăng trưởng kinh tế chững lại, bất ổn thương mại toàn cầu và những rủi ro thị trường ngày càng tăng là những yếu tố để dự đoán giá dầu Mỹ sẽ “trồi sụt” trong khoảng 55-60 USD/thùng trong quý 3 năm nay.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 4,8 triệu thùng, nhiều hơn gần gấp hai lần so với dự kiến của các nhà phân tích, xuống 423 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.

Giá dầu trong phiên ngày 5/9 đã tăng hơn 2% sau báo cáo của EIA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.