Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt

Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công gắn với một số làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam, triển lãm Davines Art Series số 3- “Giá trị sống” đã diễn ra ngày 21//11, tại Hà Nội.
Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt ảnh 1Các nghệ nhân làng quạt Chàng Sơn làm quạt thủ công tại triển lãm... (Ảnh: Tuấn Đào)

Được xem là cách làm mới, hướng tới việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công gắn với một số làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam, triển lãm Davines Art Series số 3 (DAS) với chủ đề “Giá trị sống” đã diễn ra ngày 21//11 và kéo dài đến ngày 24/11 tại Phòng trưng bày của Đại lý Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội (44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

Sau đêm "Davines Hair Show 2014" gây được tiếng vang ngày 19/11 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, chương trình Davines 2014 với chủ đề "Giá trị sống" tiếp tục hành trình kết nối văn hóa, nghệ thuật, nghệ sỹ và công chúng bằng một triển lãm giới thiệu những tác phẩm mới.

Với vai trò giám tuyển, họa sỹ Lê Thiết Cương đã lựa chọn những tác phẩm mới của sáu nghệ sỹ trên chất liệu truyền thống, bao gồm: nghệ sỹ Phạm Trần Quân với guốc mộc; nghệ sỹ Hoàng Phượng Vỹ với quạt giấy của làng nghề Chàng Sơn; nghệ sỹ Trịnh Bích Thủy với áo bông và lụa Vạn Phúc; nghệ sỹ Đinh Đức Hải với sơn mài của làng nghề Chuyên Mỹ; nghệ sỹ Lê Đình Nguyên với rối nước và nghệ sỹ Đoàn Xuân Tặng với tranh Đông Hồ.

Dưới tiết trời se lạnh, hanh hao chớm Đông của Hà Nội, triển lãm Davines Art Series số 3 nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.

Trong không gian ấm cúng, đẳng cấp của Đại lý Rolls-Royce Motor Cars, những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, gợi hình của nghề thủ công truyền thống như guốc mộc, quạt, áo chần bông, sơn mài, rối nước... đã thu hút được sự thưởng lãm của người xem trong sự bất ngờ, thích thú.

Giám tuyển Lê Thiết Cương nói: “Ngay từ khi có người Việt, từ khi có nước Việt thì đã có nghề thủ công rồi. Bất kể một sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nào từ đôi guốc mộc, cái quạt, cái bát gốm, một lọ hoa bằng gỗ phủ sơn, một mảnh lụa tơ tằm, một cái khay bạc, một con chó đá... cũng đều gói trong nó cả truyền thống, lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, văn hóa, tri thức, tạng tính của người Việt. Nói cách khác thông qua đồ thủ công mỹ nghệ, người ta có thể thấy được tâm tính và bản sắc của người Việt.”

Tuy nhiên, văn hoá đang chuyển dịch, các ngành nghề thủ công và truyền thống dần mai một và mất đi theo năm tháng. Các giá trị văn hoá gốc dần bị lu mờ trước những giá trị mới và thực dụng hơn.

Xuất phát từ thực tế trên, triển lãm “Davines Art Series số 3 – Giá trị sống” được lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh để gìn giữ bản sắc văn hóa trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Bởi các ngành nghề thủ công ở các làng nghề Việt Nam mang trong mình tinh hoa của dân tộc Việt.

Nhưng giờ đây trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại, việc gìn giữ và phát triển nó đặt ra nhiều thách thức. Như hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã từng nói, cách gìn giữ tốt nhất ngành nghề truyền thống là phát triển và sáng tạo trên nó.

Davines Art Series số 3 là một nét mới, gợi mở của một cách làm, hướng đi mới trong việc gìn giữ và phát triển các nghề thủ công truyền thống bằng cách sáng tạo trên các chất liệu, sản phẩm truyền thống./.

Một số hình ảnh tác phẩm về nghề thủ công truyền thống:

Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt ảnh 2Nghệ thuật sơn mài truyền thống... (Ảnh: Tuấn Đào)
Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt ảnh 3Nghệ sỹ Trịnh Bích Thủy giới thiệu với người xem về áo chần bông truyền thống (Ảnh: Tuấn Đào)
Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt ảnh 4Quạt thủ công làng Chàng Sơn (Ảnh: Tuấn Đào)
Davines Art Series số 3: Níu giữ bản sắc nghề thủ công Việt ảnh 5Áo chần bông truyền thống (Ảnh: Tuấn Đào)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục