Hàng năm, có ít nhất 5.000-6.000 lao động Việt Nam tại các tỉnh biên giới tự do đi làm việc tại Lào nhưng chỉ 30% lao động có việc làm ổn định. Trước tình trạng này, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt-Lào để đảm bảo quyền lợi hợp phát cho lao động di cư của hai nước.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị thông tin Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Lào do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã tổ chức ngày 18/8.
Tại hội nghị, các cơ quan chức năng của hai nước đã cùng trao đổi và thảo luận về cơ chế thông tin và truyền thông chung. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất phương án kết nối doanh nghiệp hai nước và thực hiện cơ chế vận dụng chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ, quản lý tốt lao động của hai nước trong quá trình di cư tìm việc làm.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, hiện có hơn 13.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lào. Đây chủ yếu là lao động đi theo các dự án thầu công trình, hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới. Số khác đi theo hợp đồng cung ứng nhân lực giữa các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động của hai bên. Một số đi theo con đường cá nhân. Phần lớn số lao động này là lao động có kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực như: Năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ bản, giao thông, thu hoạch mùa màng, dịch vụ...
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), ngoài chế độ tiền lương, lao động Việt Nam làm việc tại Lào còn được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ xa tổ quốc. Mức thu nhập bình quân lao động đạt khoảng 250 USD/tháng, lao động kỹ thuật khoảng 500 USD/tháng. Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép, lễ tết theo quy định của Việt Nam và Lào.
Bên cạnh số lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo các kênh chính thống, vẫn còn một số lượng đáng kể những lao động Việt Nam đi làm việc tự do tại Lào theo con đường tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là lao động của các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, mỗi năm Nghệ An có từ 5.000-6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác, nông nghiệp, buôn bán nhỏ và các lĩnh vực khác. Thu nhập bình quân của những lao động này đạt khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lao động có việc làm ổn định, mang tính lâu dài chỉ chiếm khoảng 30%, số lao động còn lại làm việc chủ yếu mang tính mùa vụ.
Trước tình hình đó, sau Hiệp định hợp tác lao động Việt-Lào vào ngày 29/6/1995 và Nghị định thư sửa đổi bổ sung ngày 08/4/1999, Hiệp định hợp tác lao động Việt-Lào đã được Bộ Lao động hai nước ký mới vào tháng 7/2013. Hiệp định này đã điều chỉnh một số điều khoản về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp… nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động hai nước./.
Theo số liệu của AVIL, trong tổng số hơn 13.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào hiện nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có 6.900 lao động, Tập đoàn Cao Su có gần 1.000 lao động, Tập đoàn Sông Đà có khoảng 600 lao động...
Dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Lào sẽ vượt mức 20.000 người./.