Đẩy mạnh mô hình quản lý chất thải y tế tại các huyện đảo ở Việt Nam

Mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế biển đảo được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 3 huyện đảo gồm: đảo Cát Bà, đảo Lý Sơn và đảo Kiên Hải đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thiết bị xử lý chất thải rắn tại chỗ do Dự án Quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế huyện đảo đầu tư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do điều kiện cách xa về mặt địa lý, các trung tâm y tế của các huyện đảo hầu hết đều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, do đó chất thải y tế chưa được quan tâm xử lý đúng mức. Tuy nhiên, trong một năm qua, mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế biển đảo được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 3 huyện đảo gồm: đảo Cát Bà (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Giảm khí thải độc hại ra môi trường

Chia sẻ về công tác xử lý chất thải y tế, bác sỹ Phạm Văn Hoàng - Giám đốc Trung tâm y tế Cát Hải (Hải Phòng) cho hay Trung tâm có 2 chức năng, vừa dự phòng vừa công tác khám chữa bệnh, do đó vấn đề rác thải y tế nguy hại luôn là vấn đề cấp thiết cần được xem xét và giải quyết ưu tiên.

[Bộ Y tế yêu cầu tăng quản lý chất thải phòng, chống dịch COVID-19]

Từ năm 2010, Trung tâm Y tế huyện Cát Hải đã được đầu tư lò đốt chất thải y tế và xử lý nước thải y tế. Tuy nhiên qua thời gian sử dụng, hiện tại, các hệ thống đã xuống cấp, nên trung tâm rất cần các hệ thống xử lý chất thải y tế mới phù hợp với nhu cầu của huyện đảo.

Anh Vũ Tiến Mạnh - Nhân viên Phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn (Trung tâm y tế Cát Hải) cho biết dù lượng rác thải tại trung tâm không quá nhiều, nhưng khi xử lý theo công nghệ cũ là đốt vẫn có khói gây ô nhiễm độc hại.

“Sau một năm triển khai theo Dự án xây dựng và triển khai mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo, với máy móc theo công nghệ mới đã đơn giản được nhiều công đoạn, bớt được những khâu không cần thiết. Đơn cử như máy cũ đốt tốn rất nhiều nguyên liệu còn máy mới sạch sẽ, gọn và an toàn cho người vận hành, giảm thiểu được rất nhiều độc hại cho môi trường,” anh Mạnh chỉ rõ.

Tập huấn, tuyên truyền cho người dân huyện đảo phân loại rác thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Dương Tiến Thuận - Giám đốc Trung tâm y tế Quân dân y Huyện Lý Sơn, cho biết Trung tâm y tế không thực hành phân loại chất thải tái chế và chất thải hữu cơ, không lưu trữ chất thải y tế.

Trước kia, Trung tâm chỉ khử khuẩn chất thải rắn, sau đó mang đi đốt rồi chôn lấp. Việc này không đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ khi triển khai mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo trung tâm đã có máy xử lý rác thải y tế với công suất khoảng 12-15 kg/ngày từ hỗ trợ của Bộ Y tế. Việc này đã giúp Lý Sơn cải thiện hơn công tác xử lý, quản lý chất thải y tế tại huyện đảo.

"Đây là tiền đề không chỉ đảm bảo chăm lo sức khỏe người dân huyện đảo và các đảo nhỏ xung quanh, để người dân yên tâm bám biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo, hoạt động y tế. Đặc biệt còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng trong đảm bảo sức khỏe cho lực lượng quân đội,” ông Dương Tiến Thuận phân tích.

Còn tại Trung tâm y tế Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) với số lượng giường bệnh khá khiêm tốn, chỉ 55 giường bệnh nên lượng rác thải mỗi ngày khá ít, chỉ khoảng 3-4 kg rác thải nguy hiểm.

Ông Trần Đức Thọ - Nhân viên xử lý rác thải Trung tâm y tế huyện Kiên Hải cho biết lò đốt cũ xử lý rác thải trước đây đã xuống cấp, vì máy đã sử dụng trên mười năm. Thêm vào đó, đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, việc sử dụng quá nhiều dẫn tới quá tải. Việc xử lý bằng phương pháp đốt gây ra khói bụi cũng ảnh hưởng khiến người dân phàn nàn.

Công tác phân loại chất thải y tế tại nguồn được Dự án xây dựng và triển khai mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo đặc biệt chú trọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trung tâm y tế huyện Kiên Hải là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai lắp đặt, bàn giao máy từ dự án quản lý chất thải y tế biển đảo do Viện Y học Biển phối hợp Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) thực hiện.

Sau khi máy hấp, xử lý rác mới được lắp đặt và đi vào hoạt động, ông Trần Đức Thọ phấn khởi: “Máy mới theo công nghệ mới xử lý được rác thải y tế khiến cả trung tâm đều mừng, không còn khói bụi, bớt độc hại bớt ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.”

Những tín hiệu tích cực

Phó giáo sư Trần Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Dự án xây dựng và triển khai mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo, Viện trưởng Viện Y học Biển cho hay qua điều tra, khảo sát cho thấy công tác quản lý chất thải y tế tại các huyện đảo có sự khác biệt và bất cập so với trong đất liền. Do đặc thù địa lý cách biệt với đất liền, lượng rác thải không nhiều nên việc vận chuyển rác thải lây nhiễm vào bờ là không khả thi. Tại các trung tâm y tế từ khâu phân loại, thu gom, lưu chứa và đặc biệt là xử lý đều chưa đạt. Đa số các đảo đều sử dụng phương pháp đốt ngay tại trung tâm y tế, gây ảnh hưởng nhiều đến các hộ dân sống khu vực xung quanh.

Phó giáo sư Trần Thị Quỳnh Chi chia sẻ tại buổi làm việc với Trung tâm y tế Kiên Hải, Kiên Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Y tế đã đồng ý giao cho Viện Y học biển thực hiện nhiệm vụ xây dựng và triển khai mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo. Dự án này sẽ đưa ra mô hình phù hợp với thực tế tại các cơ sở y tế trên đảo như lượng rác thải không quá nhiều, đặc thù địa lý đảo cô lập với đất liền, các hộ dân sống ngay sát khuôn viên trung tâm y tế, không có khu xử lý chất thải y tế riêng biệt.

Theo Phó giáo sư Chi, mô hình được xây dựng ưu tiên xử lý tại chỗ với thiết bị hấp tiệt trùng nhiệt độ cao, không khói, đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn sau khi hấp tiệt trùng sẽ có thiết bị để cắt nhỏ trước khi đưa vào xử lý như rác thông thường.

Đồng chủ nhiệm dự án, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết việc triển khai mô hình bao gồm cả việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế, tuyên truyền ý thức cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân về phân loại chất thải ngay tại nguồn, nhận biết phân loại được rác thải hữu cơ, vô cơ, thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa. Điều này sẽ giúp môi trường trong bệnh viện đảm bảo thực sự trong sạch, tránh tối đa việc lây nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật của bệnh nhân và người dân đồng thời thu hút khách du lịch đến với huyện đảo tăng lên.

Mô hình quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế huyện đảo hiện được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ năm 2021 trên 3 huyện đảo gồm Cát Hải ở Hải phòng, Lý Sơn ở Quảng Ngãi và Kiên Hải ở Kiên Giang. Từ ba huyện đảo thí điểm trên, Bộ Y tế sẽ rút kinh nghiệm, hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình, trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng ra các huyện đảo còn lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục