Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc

Việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là cơ hội tốt để doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu sâu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc ảnh 1Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 29/3, tại Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương.

Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.

[Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc]

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường vô cùng hấp dẫn, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

Vì vậy, việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là cơ hội tốt để doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu sâu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu sang quốc gia này.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nằm trong chuỗi “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022 với khoảng 30 phiên tư vấn.

Tại các phiên tư vấn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các chuyên gia thị trường và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước sẽ tham gia tư vấn cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đáp ứng hiệu quả các vấn đề cần tìm hiểu, khuyến nghị và tháo gỡ của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra các thị trường trên thế giới.

Đối với thị trường Hàn Quốc, các diễn giả tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường này đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm..., những xu thế và triển vọng của thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của chương trình cũng tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Hàn Quốc như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu..., góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… sang thị trường Hàn Quốc.

Xuất khẩu một số mặt hàng sang Hàn Quốc 2 tháng đầu năm:

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết các phiên tư vấn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất nhập khẩu mục tiêu.

Thông qua đó, các doanh nghiệp có điều kiện cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.

Năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức chuỗi 20 Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam theo phương thức trực tuyến và trực tiếp.

Thông qua đó, hàng trăm ngàn lượt cơ quan, doanh nghiệp đã được tư vấn, cung cấp thông tin về quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.../.

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 10,1 tỷ USD, tăng 20,3%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.