Đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sỹ Văn Cao

Nhạc sỹ Văn Cao, tác giả ca khúc "Tiến quân ca" và nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác, được đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sỹ Văn Cao ảnh 1Bức ảnh nhạc sỹ Văn Cao bên piano do nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu chụp.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sỹ Văn Cao theo tiêu chuẩn quy định tại điểm đ, Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nhạc sỹ Văn Cao là người có nhiều cống hiến với nền âm nhạc Việt Nam, là một trong những nhạc sỹ đầu đàn của giới nhạc sỹ Việt Nam, đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị. Đó là những ca khúc cách mạng gắn với quá trình hoạt động cách mạng của ông như: “Chiến sỹ Việt Nam” (thời gian này ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, viết trên Báo Độc lập, phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, phụ trách đội danh dự trừ gian).

Sau đó vào cuối năm 1944-1945, ông viết tác phẩm “Tiến quân ca” cho lực lượng vũ trang Việt Minh.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa 1 diễn ra vào năm 1946, cùng lúc thông qua Quốc kỳ, Quốc hội cũng đã thống nhất chọn “Tiến quân ca” là Quốc ca chính thức của Việt Nam.

Sau cách mạng Tháng Tám, nhạc sỹ Văn Cao vừa là phóng viên, vừa tham gia trình bày báo Lao động. Ông cùng ​ông Hà Đăng An chuyên chở tiền bạc và vũ khí vào mặt trận Nam Bộ, cùng thời gian này ông sáng tác các ca khúc “Công nhân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Hải quân Việt Nam”, “Bắc Sơn”... Ông cũng là Ủy viên Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc.

Thời kỳ kháng chiến toàn quốc, nhạc sỹ Văn Cao ra Liên khu III rồi phụ trách một bộ phận điều tra của Công an Liên khu X ở Lào Cai và viết báo Độc Lập. Thời kỳ này ông đã viết “Trường ca Sông Lô," "Làng tôi," “Ngày mùa," “Tiến về Hà Nội” và rất nhiều các tác phẩm như “Ca ngợi Hồ Chủ tịch," "Dưới ngọn cờ giải phóng," giao hưởng thính phòng “Anh bộ đội cụ Hồ”...

Ngoài các ca khúc cách mạng, nhạc sỹ Văn Cao còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều ca khúc trữ tình như “Buồn tàn thu,” “Thiên thai,” “Trương Chi,” “Suối mơ,” “Cung đàn xưa,” “Đống Đa hành khúc ca,” “Thăng Long hành khúc ca”...

Nhạc sỹ Văn Cao còn là một trong những thành viên tích cực trong Ban vận động thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông vừa là Hội viên sáng lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam và cũng là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam (Là ủy viên Chấp hành khóa I, khóa III Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật).

Trong hồi ký của mình, nhạc sỹ đã viết: "Quốc ca là sự hình thành của nhiều năm kinh nghiệm và một thời gian dài trăn trở. Khi viết, tôi chỉ nghĩ làm sao đáp ứng nhu cầu quần chúng, làm sao để họ dễ thuộc, dễ nhớ. Tháng 11/1944, tại sàn gác nhà ông Văn Lang ở làng Bát Tràng, một địa chỉ bí mật của cách mạng lúc bấy giờ, tự tay tôi đã viết "Tiến quân ca" lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập"...

Ngày 17/8/1945, trong cuộc míttinh lớn diễn ra tại Quảng trường Nhà hát lớn, dàn đồng ca thiếu niên tiền phong đã hát “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam và chào cờ đỏ sao vàng và ông đã khóc vì xúc động...

Nhạc sỹ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc của ông ở Nam Định. Ông mất năm 1995.

10 năm sau ngày ông mất, thủ đô Hà Nội lấy tên Văn Cao đặt cho một tuyến đường ở Hà Nội. Có nhiều tỉnh, thành phố khác cũng mang tên người nhạc sỹ tài danh như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kiên Giang...

Với những cống hiến xuất sắc cho âm nhạc nước nhà, cố nhạc sỹ Văn Cao xứng đáng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Trước đó, vào năm 1996, nhạc sỹ Văn Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên.

Ông cũng đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất... vì những cống hiến cho đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.