Để Tết Tân Sửu thêm đầm ấm: Mang Tết đến mọi người, mọi nhà

Do ảnh hưởng dịch bệnh, dự báo dịp Tết Tân Sửu 2021, số lao động các tỉnh ở lại TP.HCM sẽ nhiều hơn mọi năm. Thành phố tổ chức nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên, để mọi người đều có Tết, vui Xuân.
Để Tết Tân Sửu thêm đầm ấm: Mang Tết đến mọi người, mọi nhà ảnh 1Trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Khu chế xuất Linh Trung 1. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trải qua một năm nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lũ, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự báo dịp Tết Tân Sửu 2021, số lượng người lao động các tỉnh sẽ ở lại thành phố nhiều hơn mọi năm.

Nhiều người trong số đó, dù đã trở lại làm việc hay vừa tìm được việc làm mới, song họ đều chọn cách đón Tết nhẹ nhàng, vui tươi, tiết kiệm; những người xa xứ cùng hướng về mái ấm gia đình đón cái Tết đoàn viên, ấm áp.

Sẻ chia, tiết kiệm

Những ngày cuối tháng 12/2020, anh Nguyễn Hoàng Danh, công nhân may tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, quê ở Cà Mau vẫn miệt mài công việc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho gia đình khi năm hết, Tết đến.

Anh Danh cho biết, đại dịch bùng phát khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thiếu đơn hàng, nhiều công nhân phải giãn giờ làm, giảm lương; nhiều dây chuyền, xưởng sản xuất tạm ngừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc.

Tuy gần đây, công ty đã có đơn hàng trở lại, nhưng cũng không nhiều như trước, vì thế cũng chỉ giải quyết được công việc cho một số lao động. Anh Danh cho biết, làm ở công ty này đã hơn chục năm nay, thưởng Tết bình quân hàng năm là 1 tháng lương, cộng thêm hệ số phụ cấp hoặc thâm niên làm việc nên thu nhập cũng ổn định.

“Trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, tôi cũng như nhiều anh chị em, người lao động trong công ty cũng lo, mong sao doanh nghiệp thưởng Tết đủ 1 tháng lương… Thiết nghĩ, mỗi người, mỗi gia đình nên chia sẻ, vượt khó, tiết kiệm, cùng chung vui trong những ngày Tết này,” anh Danh chia sẻ.

[Thủ tướng chỉ thị không để người dân thiếu ăn trong dịp Tết]

Thiệt hại nặng nề nhất bởi tác động của dịch COVID-19 có thể nói đến là ngành du lịch khiến hàng chục ngàn người tạm nghỉ việc không hưởng lương, tạm tìm một công việc khác để đảm bảo các nhu cầu của cuộc sống tại thành phố.

Số ít người còn lại như chị Nguyễn Thị Hương (quê ở Phú Yên) làm việc cho một công ty lữ hành du lịch nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng chỉ làm 5 ngày/tháng với mức lương giãn giờ làm việc vừa đủ chi tiêu cho bản thân.

Chị Hương cho biết, cả năm nay, mọi chi tiêu lớn, nhỏ, chăm lo con cái, tiền học trong nhà đều trông chờ vào lương của chồng, vì thế năm nay sẽ không về quê đón Tết. Hiện cả nhà rất mong phần lương, thưởng cuối năm của công ty để gửi về chúc Tết ông bà; phần còn lại mua ít đồ dùng trong nhà, vui Tết tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt, giảm đi lại về quê tốn kém…

Chia sẻ cùng công nhân lao động xa quê đón Tết tại thành phố, chị Trần Thị Hà, chủ nhà trọ gồm 23 phòng tại số 15/13 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, cũng dành nhiều phần quà gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu trị giá 500.000 đồng/phần cho mỗi hộ gia đình.

“Tết năm nay nhiều khó khăn hơn, bởi nhiều công nhân lao động thuê trọ bị mất việc phải chọn việc làm tạm bợ để mưu sinh, vượt qua khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, ngoài phần quà, gia đình cũng đã chọn ngày Mùng 2 Tết tổ chức bữa cơm họp mặt các gia đình ở lại để chung vui, san sẻ những khó khăn trong năm qua, cầu mong năm mới thêm ấm no, sung túc…” -chị Hà chia sẻ.

Không phân biệt hoàn cảnh của mỗi công nhân, mỗi gia đình, với chị Trần Thị Hà, mỗi người lao động ở trọ đều là thành viên trong Tổ tự quản, là thành viên của đại gia đình lớn và đều được chia sẻ bằng cả tấm lòng như những người cùng xa quê đón Tết.

Tình cảm của chị khiến nhiều người lao động ở khu xóm trọ đều quý mến, nhiều người trong số đó cũng đã tranh thủ trong dịp nghỉ Tết phụ chị vận chuyển, buôn bán, phục vụ người tiêu dùng mua sắm cuối năm.

Đồng hành, chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đón Tết, Liên đoàn Lao động quận Tân Phú tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo người lao động thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; đảm bảo mọi người lao động đều có Tết với tinh thần “An toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.”

“Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Liên đoàn Lao động quận Tân Phú cũng dành nhiều phần quà cho công nhân bị mất việc, người lao động gặp khó ở khu vực phi chính thức, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, gói bánh chưng, bánh tét, chương trình phúc lợi đoàn viên, thăm và tặng quà công nhân đang ở các khu lưu trú, nhà trọ từ ngày 31/1-6/2/2021 (tức từ 19-25 tháng Chạp)…” - bà Phạm Thị Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú chia sẻ.

Đảm bảo người lao động ai cũng có Tết

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, do tình hình dịch bệnh, bão lũ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên dự báo mức thưởng Tết cho người lao động không thể bằng năm trước.

Để Tết Tân Sửu thêm đầm ấm: Mang Tết đến mọi người, mọi nhà ảnh 2Tặng vé xe cho công nhân nghèo về quê đón Tết. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo người lao động nào cũng có Tết, Sở đã ban hành kế hoạch tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Tân Sửu 2021 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp; hướng dẫn hỗ trợ, giải quyết kịp thời thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động.

Đối với các doanh nghiệp, Sở đề nghị sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp.

“Nếu gặp khó khăn trong trả lương, thưởng vào dịp Tết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp cần sớm thông tin, trao đổi với công đoàn và thông tin về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện hoặc Phòng Lao động tiền lương bảo hiểm xã hội thuộc Sở qua số điện thoại 38.202.634 (nhấn số máy lẻ 241, 243) để được tư vấn, hướng dẫn cùng phối hợp xử lý theo trình tự quy định,” ông Lê Minh Tấn khuyến nghị.

Các cơ quan chức năng thành phố cũng đã tăng cường tiếp cận, nắm thông tin các doanh nghiệp trong lĩnh vực dễ bị tác động bởi dịch bệnh như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da… để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp sớm ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động; đồng thời phối hợp giám sát, nắm bắt, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, thưởng của người lao động, dẫn đến nguy cơ tranh chấp lao động tập thể.

Chung tay chăm lo người lao động, nhất là người lao động tự do bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch bệnh, mới đây Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua gói hỗ trợ 27 tỷ đồng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Theo đó, gói hỗ trợ dành cho người lao động tự do là những người không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội; người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu.

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả thành phố rộn ràng bước vào mùa Xuân mới với niềm tin, hy vọng khởi sắc hơn năm qua. Không khí Xuân cũng đang lan tỏa đến khắp công trình, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp với khí thế thi đua lao động sôi nổi, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tăng thêm kinh phí chăm lo người lao động.

Các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền thành phố và địa phương cũng đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp, vận động các tổ chức, cá nhân có điều kiện cùng chung tay, chăm lo cho mọi đối tượng; tổ chức nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên, các hoạt động chăm lo để mọi người đều có Tết, vui Xuân trên tinh thần “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục