Đề xuất các ưu tiên phát triển của Việt Nam giai đoạn từ 2021 đến 2030

Cuộc tọa đàm trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều do Việt Nam và OECD thực hiện đã được tổ chức nhằm góp phần tư vấn, khuyến nghị Chính phủ trong xây dựng Chiến lược phát triển.
Đề xuất các ưu tiên phát triển của Việt Nam giai đoạn từ 2021 đến 2030 ảnh 1Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Tọa đàm Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR): Đề xuất các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) do Việt Nam và OECD phối hợp thực hiện, nhằm góp phần tư vấn, khuyến nghị cho Chính phủ trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030.

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo; Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzini; đại diện Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội đồng Lý luận Trung ương; đoàn chuyên gia OECD; đại diện một số bộ, ban, ngành...

Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo khẳng định Việt Nam coi trọng và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của OECD với các bộ, ngành của Việt Nam trong triển khai xây dựng Báo cáo MDCR.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ hội và thách thức đan xen. Sau hơn ba thập kỷ tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình với nhiều thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần xây dựng con đường phát triển phù hợp với thực tiễn và điều kiện đặc thù của đất nước. Do đó, việc phân tích các mô hình, bài học kinh nghiệm phát triển quốc tế sẽ là kênh tham khảo hữu ích trong xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam.

['Chương trình quốc gia' giúp thực thi chính sách theo chuẩn OECD]

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, trong đó có Báo cáo MDCR được xây dựng theo lộ trình ba giai đoạn: Giai đoạn 1 đánh giá sơ bộ; Giai đoạn 2 đánh giá chuyên sâu và tư vấn, khuyến nghị chính sách; Giai đoạn 3 đề xuất các biện pháp hành động.

“Tọa đàm hôm nay là diễn đàn để các thành viên Tổ biên tập của Tiểu ban xây dựng Chiến lược Kinh tế-Xã hội, những cán bộ trực tiếp 'chắp bút' cho dự thảo văn bản chiến lược và các chuyên gia OECD cùng xác định những rào cản lớn nhất, có tác động nhiều chiều nhất đến sự phát triển của Việt Nam, từ đó OECD tập trung đánh giá sâu hơn và toàn diện hơn trong Giai đoạn II của lộ trình xây dựng Báo cáo MDCR,” Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo cho biết.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo mong muốn đại biểu dự tọa đàm sẽ dành nhiều thời gian thảo luận thật kỹ lưỡng, thấu đáo những rào cản phát triển của Việt Nam; chỉ ra đâu là “nguyên nhân gốc rễ” dẫn đến các hạn chế, yếu kém trong phát triển của Việt Nam, đâu là những rào cản lớn nhất, cấp bách nhất về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, khoa học-công nghệ, trên cơ sở đó đề xuất OECD phân tích, đánh giá chuyên sâu trong báo cáo MDCR.

Bộ Ngoại giao đánh giá cao và đề nghị Trung tâm Phát triển OECD tích cực triển khai xây dựng Báo cáo MDCR, để bảo đảm Báo cáo quan trọng này đóng góp kịp thời, thiết thực vào xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.

"Chúng tôi kỳ vọng với phương pháp khoa học, đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực và từ kinh nghiệm, mô hình phát triển phong phú của nhiều nước trên thế giới, Báo cáo MDCR sẽ đưa ra các tư vấn, khuyến nghị chính sách có tính khả thi cao để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong 5 - 10 năm tới," Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo nêu rõ.

Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD, ông Mario Pezzni cho rằng để có những đánh giá đa chiều về Việt Nam, cần xem xét vấn đề ở các góc độ khác nhau, liên ngành để đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích của người dân Việt Nam.

Ông Mario Pezzini cho biết tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng mà OECD hướng đến; cải thiện phúc lợi, mang đến hạnh phúc cho người dân mới là cốt lõi.

Để đạt được điều này, OECD sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phác thảo kế hoạch phát triển xã hội, kinh tế.

Về các đánh giá, ông Mario Pezzini cho biết quá trình này cần phải là đánh giá quốc gia, đa chiều, học hỏi lẫn nhau. Việt Nam đã tham gia rất nhiều vào quá trình này. Vì vậy, quá trình học hỏi lẫn nhau rất quan trọng.

OECD muốn học hỏi từ Việt Nam thông qua những thách thức Việt Nam đang gặp phải để có thể tạo cảm hứng cho các nước khác đang trong quá trình phát triển, kể cả các nước đã phát triển.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày của đại diện Trung tâm phát triển của OECD về những hạn chế chủ yếu đối với con đường tăng trưởng bền vững của Việt Nam; các ưu tiên được đề xuất trong phân tích sâu của Báo cáo MDCR Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, thảo luận đối với Bản thảo đánh giá sơ bộ về MDCR Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.