Đề xuất miễn kiểm tra chuyên ngành với một số hàng thương mại điện tử

Theo dự thảo nghị định, hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống được miễn giấy phép kiểm tra chuyên ngành.
Đề xuất miễn kiểm tra chuyên ngành với một số hàng thương mại điện tử ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Liên quan tới việc miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc, được quy định tại dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử mà Bộ Tài chính đang trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này dường như chưa thực sự hợp lý khi áp dụng cho các hàng hóa đơn trên 2 triệu đồng.

Bản chất của việc miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử là do giá trị của hàng hóa quá nhỏ so với chi phí kiểm tra. Do đó, việc miễn kiểm tra chuyên ngành toàn bộ cho nhóm này là chưa hợp lý.

Thực tế, nhiều hàng hóa đơn chiếc, chẳng hạn các mặt hàng điện, điện tử tương đối nhỏ gọn để vận chuyển xuyên biên giới, nhưng lại có giá trị lớn. Khi đó, việc áp dụng kiểm tra chuyên ngành với trường hợp này là cần thiết.

Ngoài ra, dự thảo đặt ra giới hạn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu là 1 đơn/ngày và không quá 4 đơn/tháng. Như vậy, có thể suy đoán quy định đang thiết kế để quản lý theo người mua tại Việt Nam và quản lý đơn hàng theo đơn vị ngày, tháng.

Cách thiết kế này cần xem xét ở các điểm cụ thể như: Cách thiết kế giới hạn theo đơn vị ngày, tháng rất khó áp dụng và thiếu tính khả thi. Bởi, theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đơn hàng có được miễn kiểm tra chuyên ngành hay không cho người mua trước khi mua hàng.

[Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giao dịch điện tử lĩnh vực ngân hàng]

Việc này yêu cầu một cơ chế liên thông thông tin giữa tất cả các sàn. Cơ chế này sẽ rất phức tạp do đặc thù của hoạt động mua sắm thương mại điện tử. Vì người tiêu dùng thường sử dụng nhiều nền tảng sàn thương mại điện tử. Một người mua có thể đặt cùng lúc nhiều đơn hàng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn nên yêu cầu hệ thống truy vấn phải cực kỳ nhanh và cập nhật liên tục để có kết quả chính xác đến từng giây.

Nếu hệ thống truy vấn không thể đáp ứng được các yêu cầu trên, quy định này sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi không thể cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng và tăng rủi ro hủy đơn, dẫn đến tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng hạn ngạch nên được quản lý theo khoảng thời gian dài hơn hoặc quản lý đơn lẻ theo từng sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, cách quản lý theo người mua cũng chưa phù hợp với giao dịch qua biên giới qua thương mại điện tử do những đặc điểm khác biệt của hình thức này so với việc giao dịch qua biên giới truyền thống. Thông thường, các đơn vị nhập khẩu ở Việt Nam là các đơn vị nhập khẩu thường xuyên nên có tính chuyên nghiệp và có thể xác định được một cách chính xác.

Trong khi đó, các thông tin về người bán ở nước ngoài thường khó kiểm chứng và thực tế có thể dùng nhiều cách thức để thay đổi từ người bán này sang người bán khác, nên cơ quan Nhà nước thường quản lý hoạt động nhập khẩu theo người mua (đơn vị nhập khẩu).

Đối với giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, hoạt động giao dịch qua sàn thương mại điện tử kiểm soát được thông tin từ cả hai phía là người mua và người bán. Đặc biệt, thông tin người bán được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều. Người mua trên sàn thường có xu hướng dựa vào các tiêu chí như đánh giá, số lượng mua hàng... để lựa chọn người bán.

Do đó, các đơn hàng thường sẽ tập trung chủ yếu vào một số lượng người bán nhất định. Các thông tin về những người bán hàng như tên gian hàng, thông tin người bán, thông tin gian hàng... sẽ đầy đủ và khó thay đổi.

Vì vậy, thay vì quản lý theo người mua, cơ chế kiểm soát hạn ngạch có thể áp dụng cho người bán. Những người bán có số lượng đơn hàng trong năm thấp có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành, tương tự như cách thức quản lý với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Những người bán có số lượng đơn hàng lớn có thể áp dụng việc kiểm tra chuyên ngành.

Đề xuất miễn kiểm tra chuyên ngành với một số hàng thương mại điện tử ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm hoặc theo từng sàn thương mại điện tử, hoặc xây dựng cơ chế quản lý theo người bán.

Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử của Bộ Tài chính cũng đề cập tới các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể là các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Theo VCCI, việc này là cần thiết nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng trong nước. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ở thời điểm áp dụng và có thể khiến đơn hàng dù đã được đặt và vận chuyển nhưng người mua bỏ hàng không nhận do chi phí phải trả lúc đó quá lớn so với dự tính ban đầu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng không áp dụng quy định về cảnh báo với các đơn hàng đã gửi thông tin đến cho hệ thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.