“Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com (Trung Quốc) khi được ra mắt sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Đây là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với sự hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD.com và các đối tác, hàng hóa do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín tại thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội.
Thời gian qua, những tín hiệu tích cực từ Gian hàng Việt trực tuyến trong nước triển khai là nền tảng để xây dựng chương trình đưa hàng Việt tới các thị trường nước ngoài thông qua thương mại xuyên biên giới.
Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hợp tác với Viettel Post trong vụ vải thiều năm nay là dấu mốc quan trọng với ngành thương mại điện tử Việt Nam về việc đưa nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, nhằm tiếp tiếp tục hỗ trợ phát triển và thúc đẩy hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, trong khuôn khổ hợp tác về thương mại điện tử cấp Chính phủ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Tập đoàn JD và các đối tác vận hành tại Việt Nam bao gồm: Vinanutrifood, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Visa hợp tác xây dựng và phát triển Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử của JD hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, tổ chức và hướng dẫn doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của sàn thương mại điện tử và luật pháp tại nước nhập khẩu.
[Mở Gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ xuất khẩu]
Đồng thời qua đây còn giúp tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức hợp tác giữa hai doanh nghiệp tới người tiêu dùng đã được nhiều quốc gia triển khai.
Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp doanh nghiệp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống.
Phương thức này giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), dù ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch COVID-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng tận dụng xu thế tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa.
Đáng lưu ý, doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Điều này cho thấy xu hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là tất yếu và dung lượng thị trường rất lớn.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), cho hay là doanh nghiệp đa kênh, thời gian qua Vinanutrifood đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ…
Chính vì vậy, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập mới, Vinanutrifood mong muốn thông qua kênh bán hàng xuyên biên giới JD.com sẽ thúc đẩy sự phát triển và tạo tiền đề cho doanh nghiệp Việt tiếp cận nhanh hơn với thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng kỳ vọng Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại JD.com đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy giao thương hàng hóa, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Đại diện ngân hàng VPBank cam kết sẽ đồng hành và hợp tác với các đối tác của chương trình này trong việc nỗ lực tối ưu các gói giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ tiềm lực vốn để đầu tư kinh doanh, mở rộng qui mô, phục hồi sản xuất và tạo đà vào thị trường thương mại quốc tế mà cụ thể là phân phối qua sàn thương mại điện tử JD.com tại khu vực Gian hàng quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện VPBank cho biết sẽ hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc đào tạo, tập huấn trực tiếp và trực tuyến ứng dụng công nghệ số, tài chính số và thanh toán trực tuyến.
Với nguồn vốn ưu đãi lãi suất lên tới 4% cùng giải pháp thanh toán bảo mật cao và chính sách miễn/giảm phí giao dịch, theo đại diện ngân hàng VPBank tin rằng có thể tạo đà để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu cũng như góp phần đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả./.