Đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 105.000 chỗ làm việc

Nhu cầu nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh-thương mại, dịch vụ-phục vụ, dệt may-giày da, chế biến lương thực-thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng...
Đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 105.000 chỗ làm việc ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 172.561 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ việc làm mới/135.000 chỗ việc làm theo kế hoạch năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động được giải quyết việc làm giảm 16.789 lượt người so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải quyết việc làm giảm 5,6%; số chỗ việc làm mới giảm 5.826 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới giảm 6,72%.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố (Falmi), nhìn nhận thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh từ giữa tháng 2/2020 đến nay, với mức giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm 2019.

[Thị trường lao động Việt Nam trong quý 3 sẽ phục hồi tốt hơn]

Khảo sát của Falmi từ doanh nghiệp cho thấy những khó khăn kéo dài cho đến nay là việc tìm kiếm khách hàng (chiếm 39,44%); khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do tạm ngừng thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, người dân trong nước cắt giảm chi tiêu, hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, không tìm kiếm thị trường tiêu thụ (22,89%); khó khăn trong thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất (18,31%) và khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,75%)…

“Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến tiêu cực, nhất là sau khi bùng phát trở lại đã tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội. Các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; khu vực công nghiệp-xây dựng gồm những ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…,” bà Trần Lê Thanh Trúc chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu nhân lực của Thành phố cần khoảng 105.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh-thương mại, dịch vụ-phục vụ, dệt may-giày da, chế biến lương thực-thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó Đại học chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 21%, Trung cấp 30%, Sơ cấp 13,5%.

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ… Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu nghề, đào tạo lại nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại 6 chi nhánh.

Bên cạnh đó, mỗi tháng 2 lần, Trung tâm còn tổ chức phiên giao dịch việc làm ở các điểm sàn giao dịch để người lao động trực tiếp gặp doanh nghiệp tuyển dụng tìm việc theo năng lực và nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mỗi phiên giao dịch thường thu hút từ 200-300 lao động thất nghiệp, lao động tự do và khoảng từ 10-15 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, sản xuất tham gia.

Bên cạnh hình thức đăng tuyển trực tiếp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố cùng các chi nhánh còn tổ chức tuyển dụng dưới hình thức trực tuyến, online… giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm phù hợp trong thời điểm dịch bệnh.

Từ đầu đến nay, các đơn vị, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thành phố đã tổ chức 20 phiên giao dịch, ngày hội việc làm. Qua đó, hơn 223.360 lượt người đã được tư vấn việc làm, hơn 51.150 lượt người được giới thiệu việc làm, hơn 21.400 người được nhận việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục