In Paw Khone là một ngôi làng độc đáo nằm trên mặt hồ Inle của Myanmar với những căn nhà sàn trên mặt nước.
Tộc người Intha đã sống từ ngàn đời nay ở khu vực hồ, hình thành nên nhiều bản sắc văn hóa mà không nơi nào có được như việc chèo thuyền bằng một chân, canh tác nông nghiệp trên mặt nước, hay dựng những ngôi nhà 2-3 tầng với đầy sắc màu.
Hồ Inle cùng với Bagan, Yangon là một trong ba điểm đến không thể bỏ qua khi đến Myanmar. Và khi tới đây, bạn nhất định phải ghé thăm những xưởng dệt độc nhất thế giới này bên cạnh việc tham quan ngôi làng nổi, đền Shwe Inn Tain…
Những buổi sớm mai, cả mặt hồ được phủ một lớp sương mờ, dăm ba người đàn ông lặng lẽ đánh cá bằng phương pháp truyền thống độc nhất, chiếc thuyền của chúng tôi cứ nhẹ trôi giữa chốn bình yên ấy cho tới khi hương sen thơm ngát bao quanh là đã tới ngôi làng In Paw Khone.
Sen được trồng khá nhiều trên các vùng đầm lầy để phục vụ cho việc dệt lụa, vào những tháng không phải vụ, người dân còn phải nhập sen từ nơi khác về mới đủ nguyên liệu để sản xuất.
Tương truyền rằng, nguồn gốc của những chiếc khăn choàng bằng tơ sen có từ hơn 100 năm trước khi một cô gái trong làng hái sen dâng lên ngôi chùa gần nhà.
Cô phát hiện những vết xơ tạo thành sợi từ chỗ cắt của thân cây sen và sử dụng chúng để quay rồi dệt nên một chiếc áo choàng cho tu sỹ. Từ đó, nhiều người dân trong làng chuyển từ dệt vải bông, tơ tằm sang dệt lụa từ tơ sen.
Cho tới nay, In Paw Khone là ngôi làng duy nhất trên thế giới có nghề dệt lụa từ tơ sen độc đáo này. Người dân Myanmar cũng quan niệm rằng sen là loài cây biểu tượng cho sự thuần khiết trong tâm hồn, được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo và khi mặc lụa tơ sen thì con người cũng sẽ bình yên hơn.
Sen được lấy về và xử lý trong vòng một ngày, nếu để quá sẽ bị khô và hỏng tơ. Những người thợ sẽ cắt các đoạn ngắn, vừa cắt vừa dùng tay khéo léo kéo các sợi tơ, miết chúng cùng với nước, kéo dài và bện lại với nhau.
Việc này lặp đi lặp lại để các sợi tơ bện tròn cũng như đủ độ dày phục vụ cho việc cuộn vào các con suốt. Từ đây các tơ sen sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau trước khi dệt thành tấm vải, nhuộm màu và tạo hình thành các sản phẩm khác nhau.
Toàn bộ quy trình này đều được thực hiện thủ công hoàn toàn bởi những người thợ lành nghề của ngôi làng In Paw Khone.
Phải mất hàng ngàn cọng sen mới có thể dệt nên một chiếc khăn quàng cổ, với những chiếc quần, áo hay khăn, chăn lớn thì cần lượng sen rất nhiều. Chính vì thế, giá bán của những sản phẩm từ tơ sen thứ thiệt thường cao hơn so với các sản phẩm tương tự từ lụa tơ tằm hoặc bông.
Nhiều chiếc khăn từ tơ sen được người dân Myanmar bỏ tiền ra mua để dâng lên lễ Phật trong những dịp đặc biệt.
Những khu xưởng dệt này thường là tập hợp khép kín của khá nhiều căn nhà sàn nổi trên mặt hồ. Chúng được xây dựng thành các tầng khác nhau, có bến thuyền để nhập sen, khu trưng bày và bán sản phẩm.
Bạn dễ dàng nhận ra ngôi làng In Paw Khone bởi tiếng khung cửi dệt rộn ràng cả ngày của hàng trăm người dân miệt mài cho ra thứ lụa độc nhất vô nhị trên thế giới. Có đến hàng chục loại sản phẩm khác nhau từ khăn quàng cổ các loại, cà vạt, quần áo, longyi, khăn trải bàn, thậm chí cả chăn.
Bài: TRẦN GIÁP
Ảnh: TRẦN GIÁP