Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử văn hóa, thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với vị tiền bối có công khai phá, tạo dựng làng mạc và hình thành nên địa danh Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 199. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ngày 10/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường lần thứ 199.

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại số 64, đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Vũ Phan Thành Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Lãnh cho biết đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử văn hóa, thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với vị tiền bối đã có công khai phá, tạo dựng làng mạc và hình thành nên địa danh Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

Trải qua quá trình tồn tại, được trùng tu tôn tạo, hiện nay, di tích là một tổ hợp kiến trúc gồm: đền thờ, nhà khách, ngôi mộ đồ sộ, được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, trang trí, chạm trổ nguy nga lộng lẫy theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam Bộ nên di tích được xếp thuộc loại hình di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) và kiến trúc nghệ thuật.

Ông Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà khoảng đầu đời Gia Long. Ông khai khẩn đất hoang, trồng cây, không bao lâu khá lên nhờ nguồn thu từ vườn quýt.

[Khẳng định giá trị khảo cổ "nơi phát phúc" của hoàng tộc triều Nguyễn]

Vườn quýt của ông bà rộng rãi, mát mẻ, thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên người dân trong thôn thường họp ở đây để mua bán, lâu dần thành chợ. Hiện đây là chợ thành phố Cao Lãnh.

Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ ông bà. Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách nên người dân cử ông giữ chức Câu Đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn.

Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh.

Công lao thành lập chợ của ông bà cũng được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ghi nhận thông qua bản sắc phong của vua Tự Đức năm 1935. "Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường." Đây cũng là bằng chứng lịch sử vô cùng có giá trị về công lao của ông bà Đỗ Công Tường đối với vùng đất Cao Lãnh ngày nay và địa danh ấy đã tồn tại đến nay gần 200 năm.

Về mặt kiến trúc thẩm mỹ, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được xây dựng theo kiến trúc dân gian truyền thống, mái đền được lợp bằng ngói thanh lưu ly. Các hàng cột đều có treo câu đối bằng nhằm ca ngợi công đức của ông bà. Hầu hết các gian thờ được trang trí lộng lẫy với các hoành phi, bao lam chạm lộng sơn son thếp vàng với đề tài Tứ linh hay Tứ quý.

Riêng khám thờ ông bà Đỗ Công Tường được chạm trổ tứ linh, hình song long tranh châu và nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hệ thống sắc phong, đối liễn, hoành phi cổ của đền thờ là kho tàng di sản Hán Nôm của địa phương, cần được bảo tồn và phát huy.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích mang nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần đối với người dân Cao Lãnh nói riêng, Đồng Tháp nói chung.

Với giá trị đó, ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Hằng năm, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường diễn ra từ mùng 8-10/6 âm lịch.

Năm 2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Lãnh tổ chức nhiều hoạt động tham gia tuần lễ du lịch lịch của tỉnh Đồng Tháp như Ngày hội sản phẩm đặc trưng Đất sen hồng và phiên chợ nổi trên sông; tổ chức hội thi làm bánh dân gian; thi đua thuyền; hội thi tiểu thương vui nhộn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục