Đến với quê hương của đá Mặt trời - thành phố Svetlogorsk

Những người dân Svetlogorsk cho rằng gọi đá Mặt Trời vì hổ phách mang năng lượng của đất trời, tích lũy nhiều triệu năm, vì vậy hổ phách luôn tạo cảm giác ấm khi được cầm nắm trong tay.
Đến với quê hương của đá Mặt trời - thành phố Svetlogorsk ảnh 1Con phố chính của Svetlogorsk lát đá viên đã cả trăm năm tuổi vẫn không hề hư hỏng. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Kaliningrad được nhiều người biết đến do vị trí địa lý đặc biệt, vùng lãnh thổ bên bờ biển Baltic nằm lọt giữa hai nước Ba Lan và Litva và là tiền đồn phía Tây của Liên bang Nga.

Nói đến Kalinigrad du khách nước ngoài đầu tiên nhớ đến hổ phách, là nhựa thông hóa thạch từ ít nhất 30 triệu năm trước, loại đá được nhắc đến trong biết bao truyền thuyết cổ đại, ngạo nghễ ngự trị trên các vương miện hoàng gia, quyến rũ con người bằng vô vàn gam sắc, phản chiếu thế giới của khủng long và những loài thông lá kim nay đã tuyệt chủng.

Thế nhưng quê hương thật sự của hổ phách không hẳn là Kaliningrad, mà là thành phố ven biển nhỏ xinh tràn ngập ánh sáng nằm cách thủ đô Moskva hai giờ bay và 40 phút taxi, Svetlogorsk.

Kiến trúc Đức và những nụ cười

Svetlogorsk trước năm 1947 có tên gọi là Rauschen từng thuộc nước Đức. 60 năm đã qua, chất Đức còn giữ đậm nét nhất trong kiến trúc thành phố. Những ngôi nhà mái ngói nhọn đặc trưng, bức tường gạch vuông vắn chắc nịch chứ không nhiều chi tiết duyên dáng kiểu Nga.

Câu chuyện với bác lái xe “ma xó” cũng nhảy đủ nốt trầm bổng theo nhịp lốp xe ôtô trên con phố chính Kaliningradskaia trải đá.

Những viên đá màu xám nhạt diện tích bằng bàn tay người không hiểu là đá gì hay được lát bằng công nghệ gì mà qua cả thế kỷ thử độ bền lốp xe, con đường vẫn không hề bong tróc.

Bác “ma xó” chỉ đôi chỗ không giống nguyên bản bảo có người đã thử cậy gạch lên lát lại, nhưng không tài nào “hoàn nguyên trạng,” đá xám một khi đã bị rứt đứt khỏi vị trí “được chỉ định ban đầu,” khỏi quần thể anh chị em cùng quê hương, dòng máu, khỏi chất kết dính bí ẩn, nó vĩnh viễn mất đi danh tiếng và chất lượng “Đức”!

Kaliningrad cũng như Svetlogorsk không có những ngôi nhà to, hay cao chọc trời. Vùng đất không vững, dân gian hay gọi là vùng đất “bơi,” khiến Rauschen chỉ cho phép xây nhà không quá ba tầng.

Với dân số chỉ khoảng 1 triệu người trên toàn tỉnh, nhà cao tầng mà chi! Cứ thâm thấp, nhỏ xinh, thon gọn giữa rừng thông, rừng sồi, để không lay động mặt nước phẳng lặng của Hồ Yên tĩnh hay làm kinh động đôi chim bồ câu núi đi đâu cũng có đôi.

Tương truyền rằng nhiều thập kỷ trước đây người dân Rauschen muốn bảo vệ thành phố của mình trước hơi ẩm của gió và biển nên có quy định, mỗi một người đi xa phải đem về quê nhà một loại cây mới.

Ai đó đã tính rằng có hơn 1.200 loài thực vật được trồng và bao phủ tới 1/5 diện tích của Svetlogorsk. Nơi đây, sakura từ Nhật Bản, сây phong miền Bắc Mỹ chung sống hòa bình với “cụ” lipa “bản xứ” đã 450 tuổi.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên, tôi ngạc nhiên khi hai cô gái trẻ đi ngang qua cười chào. Với hiểu biết về văn hóa “lạnh ngoài, ấm trong” của người Nga, tôi chột dạ không hiểu có phải mình sơ suất không nhận ra cô chủ nhà hay không.

[Photo: Svetlogorsk, quê hương của đá Mặt Trời]

Song nụ cười ấy tôi còn gặp thêm mấy lần trên đoạn đường từ bờ biển về nhà thuê và còn gặp luôn luôn trong những ngày sau, tại tất cả các quầy hàng lưu niệm xếp thành dẫy bán từ hổ phách cho đến sách và gốm cổ của Đức, trong cánh tay vẫy thân mật của bác bán cá chợ trung tâm.

Thắc mắc của tôi được anh cựu thợ máy chuyển sang nghề hổ phách do quá thiếu vắng giao tiếp trong những chuyến đi biển dài ngày Pavel giải thích sau khi nhấn ba tiếng tiếng còi xe hai ngắn một dài chào mừng đám cưới gặp tình cờ: “Dân vùng tôi có thói quen luôn chào hỏi nhau dù quen biết hay không!.”

Cũng phải thôi, khi đến 70% người dân vùng Kaliningrad cũng như Svetlogorsk đều biết gốc gác của nhau.

Thành phố Đá Mặt trời

Giống như khi đến Mông Cổ đâu đâu du khách cũng bắt gặp cái tên Chingis Khan (Thành Cát Tư Hãn), ở Svetlogorsk mọi quán xá, đường phố, địa danh đều ít nhiều có từ Hổ phách.

Công viên kỷ Hổ phách, càphê Hổ phách, phố Hổ phách, làng Hổ phách. Hổ phách đã trở thành thương hiệu của cả Svetlogrosk, cả Kaliningrad.

Đến với quê hương của đá Mặt trời - thành phố Svetlogorsk ảnh 2Kiến trúc Đức còn lưu giữ lại khá nhiều tại Svetlogorsk. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Cũng phải thôi, còn có thương hiệu nào mạnh hơn loại sản vật được hình thành đến 160 triệu năm về trước, vô địch về hình dáng đa dạng và màu sắc không bao giờ trùng lặp, giá trị không chỉ được tính theo trọng lượng như các kim loại quý khác, mà còn đạt đến cái “vô giá” tùy theo tuổi, màu sắc, độ tinh khiết.

Hổ phách được mệnh danh là đá Mặt Trời. Những người dân Svetlogorsk, trong đó không ít người là thợ thủ công hổ phách, người bán hàng hổ phách tại các cửa hàng địa phương song mẫu mã không thua kém gì các quầy hàng tại Moskva, cho rằng gọi đá Mặt Trời vì hổ phách mang năng lượng của đất trời, tích lũy nhiều triệu năm, vì vậy mà hổ phách luôn tạo cảm giác ấm khi được cầm nắm trong tay.

Chị Nastia còn tin rằng khi đeo trang sức hổ phách, con người có thêm một phần máu thịt, một tấm bùa hộ mệnh đẩy lui những năng lượng xấu.

Còn tôi, sau những giờ tản bộ trên những con đường đến gió cũng sạch bong, ngát hương nhựa cây rần rật mãnh liệt trong kỳ vươn chồi bung nhụy, khiến con người ta cũng như say như mơ, chỉ chợt vỡ òa sực tỉnh khi sóng biển Baltic đã ríu rít vờn dưới chân, tôi chợt nghĩ đến cơn biến động nào hàng triệu năm trước đã lật nhào những thân cây nhựa phun trào, đẩy trôi ra biển, ẩn nhẫn giấu mình trong lớp bùn xanh và chỉ bung sắc óng mật sau bao nhiêu gột rửa kiên trì mà nhẫn nại.

Lớp hổ phách đó phải chăng đã chọn cách vươn ra biển khơi, đón ánh Mặt Trời ấm áp, chắt lọc và xác thực những lung linh, lấp lánh còn nguyên thủy tinh khôi, như nụ cười của người dân vùng đá Mặt Trời.

Mỏ hổ phách nằm không quá sâu dưới lòng đất, chỉ khoảng 20-50m. Khu mỏ lớn nhất hoạt động từ năm 1912 tại làng Hổ phách cách Svetlogorsk 25km, mỗi năm cung cấp khoảng 400 tấn hổ phách thô.

Tuy nhiên khi trữ lượng ngày càng “hao,” năng suất khai thác được giảm xuống, cho đến nay vào khoảng 300 tấn một năm. Toàn bộ dây chuyền khai thác được giấu kín, du khách chỉ được nhìn khu mỏ từ xa, từ cửa hàng bán sản phẩm của Nhà máy Hổ phách và nghe những gì hướng dẫn viên kể lại.

Tuy nhiên, trên con đường ra biển, bác lái xe sinh ra và lớn lên tại làng Hổ phách chỉ ra hàng chấm mờ đen ngoài biển và nói: tàu mò hổ phách đó và chủ yếu là tàu khai thác bất hợp pháp, họ chở thợ lặn ra ngoài biển, vờ như đánh cá, những người thợ đeo đủ thiêt bị lặn được thả xuống lớp nước sâu đến 50m, khi nào nhìn thấy màu bùn xanh đặc trưng là đến “nơi làm việc.”

Không ai biết lượng quặng các tàu này vớt được hàng ngày, bác gác cổng mặc bộ rằn ri gắn cờ ba màu đen-đỏ-vàng đoán cũng đến vài chục tấn!

Tạm bằng lòng với những con số mông lung, chúng tôi ghé chân vào nhà ăn tập thể của Nhà máy Hổ phách, thừa kế nhà máy hổ phách lớn nhất thế giới của Đức cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ hai.

Không một viên đá vàng óng nào trên tường, món bánh trứ danh cũng đã hết, tuy nhiên bữa trưa cho 4 người gồm súp, salad, mỳ “không người lái” với 300 ruble (khoảng 5 USD) vượt quá mọi mong đợi!

Cũng như cả chuyến đi đã vượt quá mong đợi từ Moskva. Giờ đây, nếu hỏi ấn tượng về Svetlogorsk, tôi sẽ nói đó là sự cân bằng kiểu Nhật giữa những kỳ thú của thành phố nghỉ dưỡng và làng nghề truyền thống, những trật tự chỉn chu phong cách “Đức,” những con người dung dị kiểu Nga đặt trong một thiên nhiên mê đắm, dịu dàng hợp với tâm hồn Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.