Đi khắp mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ còng lưng gùi, địu.
Nếu như trước kia họ gùi lương thực, củi, con cháu thành thì gùi con, gùi cháu… Vừa qua, một tấm ảnh làm bão cả cộng đồng mạng khi một cụ già gùi cả một bồn chứa inox gần 1.000 lít nước ở trên lưng (bồn rỗng nặng độ 20-30kg). Có lẽ vì thế mà nhiều thứ ở đất này như gắn liền với hình ảnh tấm lưng còng của họ. Những ngọn núi nhấp nhô, những cung đường uốn lượn… và ngay đến chiếc bánh chưng của họ cùng “gù.”
Bánh chưng gù là một đặc sản của người Tày, được coi là “chưa ăn thì chưa phải tới Hà Giang.” Cũng như người Kinh, loại bánh này trước đây là món ăn truyền thống vào dịp Tết. Tuy nhiên đến nay đã được gói quanh năm để bán như một thứ quà cho khách du lịch.
Để tạo nên chiếc bánh chưng gù vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon thì cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu phải thật kĩ càng: Gạo để gói bánh là gạo nếp nương hạt tròn mẩy, được ngâm với nước lá nghệ để có màu xanh đặc trưng. Đậu xanh hạt nhỏ ngâm nước cho nở ra, đãi vỏ thật sạch. Thịt lợn được chọn làm nhân bánh phải là thịt lợn đen địa phương đem ướp với tiêu xay và những gia vị truyền thống đặc trưng của người Tày.
Đặc biệt là lá dong được trồng tại rừng nên khi luộc xong bánh có mùi thơm rất đặc trưng của vùng núi, mở ra thấy miếng bánh xanh mướt.
Bánh được luộc bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện, có như vậy mới giữ được nguyên vẹn mùi vị của bánh chưng gù truyền thống của người Tày Hà Giang.
Theo người địa phương, bánh chưng gù ngon phải được luộc thật rền, ăn một miếng sẽ cảm nhận được hết hương vị của thịt lợn ướp thơm, đậu xanh nấu nhừ hòa quyện với gạo nếp nương dẻo bùi.
Ngày nay không cần phải đợi tới ngày lễ Tết mới có thể thưởng thức món bánh đặc trưng này. Nhiều hộ gia đình nơi đây đã mở rộng sản xuất bánh chưng gù, tạo nguồn thu nhập ổn định và góp phần làm phong phú thêm sản vật địa phương, đưa cái tên Hà Giang ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch Việt./.