Theo kết quả cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 27/11, khoảng 1/8, tương đương 12% số công ty của Đức đang sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), đặc biệt là trong các lĩnh vực như kế toán, kiểm soát và quản lý tài chính.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả khảo sát hàng năm với khoảng 20.000 doanh nghiệp, cho biết mặc dù việc sử dụng AI ở các công ty vừa và nhỏ (SME) vẫn còn tương đối hiếm, nhưng có tới hơn 1/3 công ty lớn đã sử dụng AI.
Đối với nhà sản xuất ôtô lớn như BMW, AI từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong sản xuất và được sử dụng để tối ưu hóa quy trình, có thể giúp ngăn chặn 500 phút ngừng hoạt động mỗi năm chỉ tính riêng nhà máy Regensburg của công ty ở miền Nam nước Đức.
Các "gã khổng lồ" công nghiệp Đức Siemens và Schaeffler gần đây đã cũng giới thiệu “Industrial Copilot,” một trợ lý được AI hỗ trợ cho phép tạo mã tự động hóa bằng cách sử dụng đầu vào ngôn ngữ tự nhiên.
Thành viên Hội đồng quản trị của Siemens AG, đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) bộ phận công nghiệp Kỹ thuật Số của Siemens AG, Cedrik Neike cho biết: “Đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.”
Dự luật giảm thuế doanh nghiệp của chính phủ Đức rơi vào bế tắc
Hiện tại, kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang trở thành nạn nhân của suy thoái kinh tế.
“Trước đây, chúng tôi phải nói chuyện với máy móc bằng ngôn ngữ của chúng. Với hệ thống “Industrial Copilot” của Siemens, chúng tôi có thể nói chuyện với máy móc bằng ngôn ngữ của chúng tôi.”
Mặc dù vậy, hiện nhiều công ty Đức vẫn do dự trong việc sử dụng AI. Theo Destatis, chỉ có 10% số công ty chưa sử dụng AI đang cân nhắc việc này. Nhưng có tới 72% viện lý do thiếu kiến thức là lý do chính dẫn đến sự miễn cưỡng sử dụng AI.
Theo một cuộc khảo sát gần đây do hiệp hội kỹ thuật số Bitkom của Đức thực hiện, mặc dù hầu hết các công ty Đức coi AI là công nghệ quan trọng nhất trong tương lai, nhưng gần 1/3 vẫn cho rằng đó là một “sự cường điệu quá mức.”
Tháng 9/2023, Chủ tịch Bitkom Ralf Wintergerst cho rằng: "Để Đức có được động lực phát triển AI, các công ty phải tiếp tục tăng cường nỗ lực và đầu tư, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện phần việc của mình."
Chính phủ Đức dự kiến đầu tư 1,6 tỷ euro (1,74 tỷ USD) vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong năm 2025. Trong số này, 500 triệu euro được dành riêng cho năm tới./.