Bài 1: Đảo chiều, xuất khẩu ngành thời trang chững lại quý đầu năm

Dệt may, da giày: Khó khăn tiếp tục bủa vây khi đơn hàng sụt giảm

Hàng loạt tín hiệu tiêu cực từ quý 4/2022 như tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, tình trạng lạm phát cao… đã cho thấy nhu cầu về hàng dệt may cũng sẽ giảm trong năm 2023.
Dệt may, da giày: Khó khăn tiếp tục bủa vây khi đơn hàng sụt giảm ảnh 1Các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp gần như “kiệt quệ” trong suốt hơn 2 năm đại dịch COVID-19 (từ 2020 đến đầu 2022). Khi chưa giải quyết hết những tồn tại cũ thì nhiều khó khăn mới lại nảy sinh.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất có đóng góp hàng tỷ USD về giá trị xuất khẩu như: dệt may, da giày… đều bày tỏ lo ngại một bức tranh không mấy tươi sáng trong quý 1/2023 thậm chí tình trạng này có thể kéo dài sang cả quý 2 khi đơn hàng sụt giảm, tác động xấu tới hiệu quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đóng góp chung cho nền kinh tế.

Chính vì vậy, việc nhận diện những khó khăn, thách thức để tái cấu trúc lại quy trình sản xuất, chuỗi giá trị. Cùng với đó là tối ưu hóa các phân khúc thị trường và khách hàng để từ đó hóa giải những khó khăn, thách thức là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp khi đứng trước bài toán quản trị biến động.

Bài 1: Đảo chiều, xuất khẩu ngành thời trang giảm quý đầu năm

Trong quý đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhu cầu chi tiêu các mặt hàng thông thường của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia lớn tiếp tục bị co hẹp đã tác động trở lại, khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày cho biết đã phải làm mọi biện pháp để duy trì việc làm và giữ chân người lao động, sẵn sàng chờ thời cơ khi thị trường ấm trở lại.

Áp lực đơn hàng

Là một doanh nghiệp lớn, có tới hơn 1.000 nhân viên, người lao động, các sản phẩm của Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 ngoài cung cấp tại thị trường nội địa còn hiện diện tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong quý 1/2023, trước những biến động xấu của thị trường, Sài Gòn 3 cùng nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố không nằm ngoài vòng xoay khó khăn chung.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất để người lao động có việc làm, có thu nhập, nhằm ổn định tình hình lao động, để khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục sản xuất.

[Xuất khẩu giảm do các thị trường chủ lực đi xuống]

Thực tế từ chính các doanh nghiệp trong hiệp hội, như ông Hồng thông tin, tình hình chung quý 1 đơn hàng giảm 30-40% so với cùng kỳ. Dự báo sang quý 2 giảm khoảng 20%, còn quý 3 và quý 4 có thể tăng trưởng hơn nhưng không khá hơn nhiều.

Nguyên nhân là tình hình thế giới chưa có nhiều cải thiện, bản thân tại thị trường nội địa sức mua giảm, nhiều người lao động thiếu việc làm nên thu nhập giảm cũng thắt chặt chi tiêu.

“Thị trường xuất khẩu đã khó, thị trường nội địa cũng khó, do vậy ngành dệt may vẫn tiếp tục ở trạng thái khó khăn, song vẫn duy trì việc để người lao động có thu nhập. Đơn cử, ngày xưa làm 6 ngày, giờ làm 5 ngày và xưa làm thêm giờ thì nay có thể bớt giờ, nhưng vẫn đảm bảo có việc làm và thu nhập cho công nhân,” ông Phạm Xuân Hồng nói.

Tương tự với May Hưng Yên, doanh nghiệp cũng phải đối diện nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng sụt giảm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ, hiện đơn giá nhiều sản phẩm của doanh nghiệp giảm 10-15% do giá đưa ra cùng chủng loại của Bangladesh rất thấp.

“Sở dĩ giá thấp vì 90% nguyên phụ liệu họ có thể tự lo được từ bông cho đến sợi, vải... nên hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam làm hàng dệt kim đều rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng,” ông Dương nói.

Trước đây, mỗi tháng xuất khẩu sản phẩm may mặc của Bangladesh chỉ đạt 3,5 tỷ USD nhưng từ quý 4/2022 và quý 1/2023, xuất khẩu của Bangladesh đều đạt từ 4,5-4,8 tỷ USD.

Để ứng phó, đại diện Hugaco cho rằng, doanh nghiệp cần phải cạnh tranh với các đối tác bằng cách tăng năng suất, đầu tư thiết bị máy móc, đưa nhiều máy móc, thiết bị tự động để đẩy mạnh sản xuất.

- Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may từ 2011-2022:

Dệt may, da giày: Khó khăn tiếp tục bủa vây khi đơn hàng sụt giảm ảnh 2

Không chỉ dệt may, nhiều doanh nghiệp da giày cũng rất khó khăn để có thể kiếm đối tác và ký được đơn hàng dài hạn.

Ông Phan Đức Trung, Giám đốc một đơn vị gia công giày xuất khẩu tại Bình Dương chia sẻ, đơn hàng những tháng đầu năm 2023 rất khó khăn, đối tác chỉ ký các hợp đồng ngắn hạn với số lượng nhỏ để thăm dò thị trường.

“Sức mua tại nhiều thị trường giảm mạnh nên đối tác chỉ nhận một lượng vừa phải để không bị tồn kho quá cao,” ông Trung bày tỏ.

Cần sự nỗ lực rất lớn

Thực tế cho thấy, khi dịch COVID diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp dệt may đã hết sức linh hoạt, sáng tạo đề ra nhiều giải pháp để tạo công ăn việc làm cho người lao động, như đầu tư sản xuất khẩu trang vải hay may trang phục phòng chống dịch.

Song giai đoạn hậu COVID, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh lại kéo theo những áp lực hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp dệt may, da giày.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, ngành dệt may Việt Nam 2022 đã về đích thành công khi đạt được mức kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Tuy nhiên, hàng loạt các tín hiệu tiêu cực từ quý 4/2022 như tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, tình trạng lạm phát cao… đã cho thấy nhu cầu về hàng dệt may cũng sẽ giảm trong năm 2023, đặc biệt là tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU.

“Tình trạng sức mua tăng đột biến do đợt khủng hoảng thời kỳ COVID-19 đã khiến lượng đặt hàng giảm đáng kể trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp may thậm chí còn phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo, như sản xuất khẩu trang... để có thể duy trì được hoạt động sản xuất,” ông Hiếu nêu thực tế.

Dệt may, da giày: Khó khăn tiếp tục bủa vây khi đơn hàng sụt giảm ảnh 3Áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tác động đến xuất khẩu dệt may, da giày. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết trước những diễn biến khó lường của thị trường, nhất là khi cầu tiêu dùng giảm và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn hiện nay, Vitas đưa ra hai kịch bản đối với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023. Trong đó, với tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 47 tỷ-48 tỷ USD. Kịch bản thấp, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 45 tỷ-46 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm “vượt sóng” thị trường, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Bởi tín hiệu tiêu cực không chỉ xuất hiện mới đây mà ngay từ những tháng cuối năm 2022 ngành sợi phải đối mặt với giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá sợi đầu ra giảm sâu do cầu vô cùng yếu.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm, trong quý đầu năm đã tác động đến số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước.

Điều này thể hiện qua kết quả xuất khẩu của quý 1 chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng những mặt hàng có giá trị top đầu như: hàng dệt may và giày dép các loại đều giảm 2 con số.

Cùng với đó, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử, thị trường EU giảm 4,2%; ASEAN giảm 8%; Nhật Bản giảm 5,9% còn Mỹ giảm tới 21% trong 2 tháng đầu năm.

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá việc các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng đã tác động trở lại với nhiều doanh nghiệp khác khi cung cấp hàng hóa cho họ, buộc phải cắt giảm quá trình sản xuất.

Vì vậy, để khơi thông các điểm nghẽn, giúp khơi thông nền kinh tế, chuyên gia này khuyến nghị các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động quản trị và sản xuất-kinh doanh, tối ưu hóa các chi phí để tăng năng lực cạnh tranh và đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế./.

Bài 2: Chuyển đổi số, ngành hàng tỷ USD chiếm vị thế ở chuỗi cung ứng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.