Đi tìm 'con át chủ bài' để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt

Việt Nam được đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng nông sản số lượng lớn, giá rẻ, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn còn là thách thức dai dẳng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt.
Khách hàng lựa chọn mua trái thanh long tươi của Việt Nam tại chợ đầu mối hoa quả Sydney. (Ảnh: Khánh Linh/TTXVN)

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018: Chuyên đề nông nghiệp "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" là sự kiện mở màn chuỗi diễn đàn chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF).

Diễn đàn do Ban Nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng Báo điện tử VnExpress tổ chức.

Nông lâm thủy sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu được trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có những thị trường rất khó tính về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Năm nay, các mặt hàng này kỳ vọng sẽ xuất khẩu vượt 40 tỷ USD, thặng dư thương mại sẽ đạt trên 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên là tính liên kết của 3 trục sản phẩm (quốc gia, cấp tỉnh, đặc trưng địa phương) trong khẩu chế biến đang còn yếu.

Bên cạnh đó là những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, kiểm soát lưu thông hàng hóa, thị trường, đặc biệt là chưa tổ chức được thị trường trong nước.

Để giải quyết những tồn tại trên, một trong những nguyên tắc quan trọng là phải tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường là mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng để nông sản Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra.

[Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây: Giữ vững thị trường nội địa]

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Central Group (Thái Lan), một trong những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp Việt Nam là nhỏ lẻ, làm theo quy mô gia đình, diện tích canh tác giới hạn. Các mô hình trang trại, cánh đồng lớn chưa phổ biến nên giá thành sản phẩm đầu ra cao.

Ở các nước phát triển, mô hình nông trại, tập đoàn nông nghiệp được khuyến khích phát triển nên chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, vào hạ tầng và chi phí khấu hao trên từng sản phẩm thấp.

Sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường và nhà đầu tư có nhiều cơ hội để tập trung phát triển về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô hay tập trung phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Do đó, Việt Nam cần xây dựng và phát triển các mô hình đầu tư và canh tác có quy mô lớn.

Cùng với đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Bởi, hiện nay, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp trên thế giới đã có những bước tiến rất dài, mang lại hiệu suất canh tác cao như công nghệ sinh học, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến…

Ông Trần Thanh Hải đánh giá, Việt Nam đã được đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá rẻ. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn còn là thách thức dai dẳng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao quản lý chất lượng và thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp Việt cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu, tâm lý tiêu dùng mục tiêu, đầu tư kỹ thuật để có thể thiết kế, chế biến và đóng gói sản phẩm phù hợp, gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm và tăng thêm lợi nhuận xuất khẩu.

Vải thu hoạch được lựa chọn, xử lý vệ sinh, kỹ thuật bảo quản trước khi đóng thùng xốp để chuyển đi tiêu thụ ở huyện Lục Ngạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nói về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất.

Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy, nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Bàn về "con át chủ bài" của nông nghiệp Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, hiện nông dân và doanh nghiệp Việt vẫn đang sản xuất với quá ít tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn quốc tế. Khi chế biến thì gặp hai vấn đề, đó là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm.

Còn ông Trương Gia Bình, Trưởng ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF nhận định, khi đi tìm mở rộng thị trường, chúng ta cần cân nhắc từng thị trường một.

"Cần phải xuất phát từ thị trường, thế giới cần gì và chúng ta có vào được không. Nếu vào được thì phải có chương trình hợp tác về hạ tầng," ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, nhìn chung, câu chuyện về "át chủ bài" của nông sản Việt Nam là không dễ trả lời.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, muốn sản xuất được nông nghiệp hàng hóa vấn đề đầu tiên cần phải xử lý đó là đất đai. Đất nông nghiệp nhỏ lẻ, từng hộ nông dân sẽ cho doanh nghiệp thuê lại để doanh nghiệp tập trung, tích tụ ruộng đất.

Chỉ có giao cho doanh nghiệp mới giúp cơ cấu lại lao động trong nông thôn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… Do đó, với tầm quan trọng này, cuối tháng Sáu này Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc về nông nghiệp công nghệ cao và tích tụ ruộng đất./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục