Ngành hồ tiêu đang rơi vào "nốt trầm" vì giá thấp, tồn kho thế giới lớn, nguồn cung vượt cầu 8%... Đây là mối lo lớn của những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cũng như nông dân sản xuất tiêu cả nước.
Để trở về thế cân bằng như 5 năm trước, ngành hồ tiêu Việt Nam đã đưa ra chiến lược tăng sản lượng chế biến sâu và sản xuất sạch.
Đa dạng hóa sản phẩm
Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dạng thô ra thị trường thế giới. Các mặt hàng chế biến, giá trị cao chiếm tỷ lệ rất thấp; trong đó có hồ tiêu.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy cả nước có 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, chỉ có 18 doanh nghiệp thực sự tham gia vào lĩnh vực chế biến, có nhà máy chế biến và nhà máy xử lý hồ tiêu qua hơi nước, với công suất 80.000 tấn tiêu/năm. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hoạt động hết công suất hiện có.
Trong khi đó, sản phẩm hồ tiêu chế biến sâu có thể mang lại giá trị cao hơn hàng trăm lần so với xuất khẩu tiêu dạng thô. Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản tung ra thị trường sản phẩm tiêu chế biến và đưa sang thị trường Việt Nam. Một sản phẩm tiêu sốt trọng lượng 15 gram có thể bán ra thị trường với giá 15.000 đồng - gấp đôi so với giá bán 100 gram tiêu hạt hiện nay - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Intimex (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Những sản phẩm gia vị tinh chế từ tiêu được lựa chọn tối ưu đi kèm các món ăn khác nhau.
Ông Trịnh Bằng Kiên - đại diện thu mua hồ tiêu nguyên liệu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Harris Freeman Việt Nam (Bình Dương) cho hay trong 4 tháng đầu năm 2018, Harris Freeman xuất khẩu 2.000 tấn tiêu, đạt kim ngạch 10 triệu USD. Trong số này, sản phẩm tiêu đen bột, tiêu trắng, tiêu trắng bột chiếm 20% giá trị, dù số lượng rất ít.
[Giá hồ tiêu vẫn chưa có xu hướng phục hồi trong vài năm tới]
Các sản phẩm tiêu chế biến sâu mang lại giá trị cao hơn so với xuất khẩu thô nhưng nguồn vốn đầu tư công nghệ cho chế biến không hề nhỏ, khâu xúc tiến thương mại chưa hoàn chỉnh đã cản trở doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với thực tế ngành hồ tiêu hiện nay, khi nguồn nguyên liệu trong nước quá lớn, Harris Freeman phải chuyển hướng tăng cường sản xuất các sản phẩm chế biến giá trị cao, tăng cường xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu sản phẩm tiêu chế biến của doanh nghiệp ra thị trường thế giới.
Cạnh tranh bằng sản phẩm sạch
Thời điểm 5 năm trước, hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng, trong đó, đáng quan tâm nhất là hồ tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Một đặc thù dễ nhận thấy là cho dù tăng diện tích hồ tiêu nhanh nhưng Brazil vẫn tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt. Nhiều vùng tiêu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng 0, lại được chào bán ra thị trường thế giới với giá rất thấp.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, chính người nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ giống như Brazil.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), với thực tế hiện nay, chỉ những hộ trồng tiêu phát sinh ngoài quy hoạch mới chịu áp lực nặng nề. Bởi những hộ này sản xuất theo phong trào giá cao, diện tích lại nhỏ lẻ và không nắm vững quy trình sản xuất tiêu, không nắm được quy luật điều tiết của thị trường tiêu trong thời gian dài, họ sẽ từ bỏ và tự chuyển đổi sản xuất.
Những hộ sản xuất tiêu lâu năm cũng giảm dần việc chăm sóc, tưới, bón. Vô hình trung, vườn tiêu sẽ được thanh lọc, trở thành sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu sạch như thị trường yêu cầu. Cho dù năng suất thấp, họ vẫn có lợi nhuận và duy trì vườn tiêu. Có như vậy, ngành tiêu mới trở về quỹ đạo của nó.
Theo ông Willem van Walt Meijer - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, ngành tiêu Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch mới đủ sức cạnh tranh với tiêu Brazil và Ấn Độ. Với quy trình này, phải mất 4 năm, ngành mới đủ sức tạo vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Khoảng thời gian này cũng tương ứng với quy luật thoát “nốt trầm” của ngành hồ tiêu trong 30 năm qua, cứ 5 năm sẽ xuống đáy và 5 năm sau lại tạo đỉnh. Vì vậy, ngoài việc chính doanh nghiệp tăng cường các sản phẩm chế biến, doanh nghiệp cũng phải liên kết nông dân, sản xuất tiêu hữu cơ, tiêu sạch, áp dụng đúng quy trình mới ngăn chặn nông dân tự phát trồng tiêu.
Trước những chiến lược của ngành hồ tiêu, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải đồng hành cùng các địa phương sản xuất tiêu thực hiện cấp mã số vùng trồng tiêu để truy xuất nguồn gốc, liên kết chặt chẽ với nông dân.
Địa phương phải ra thông báo những hộ không được cấp mã số vùng trồng, sản xuất ngoài quy hoạch sẽ không được doanh nghiệp thu mua nguyên liệu. Đối với những diện tích hồ tiêu không đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương tư vấn người dân chuyển đổi sản xuất để tránh “tiền mất, nợ mang” khi thị trường bị “vỡ”./.