Giá hồ tiêu vẫn chưa có xu hướng phục hồi trong vài năm tới

Nhiều doanh nghiệp cho rằng với tình hình cung cầu thị trường hồ tiêu thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, giá tiêu vẫn sẽ giảm sâu trong vài năm tới.
Giá hồ tiêu vẫn chưa có xu hướng phục hồi trong vài năm tới ảnh 1Thu hoạch tiêu. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Tại hội nghị thường niên năm 2017 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 11/5 ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, với tình hình cung cầu thị trường hồ tiêu thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, giá tiêu vẫn sẽ giảm sâu trong vài năm tới.

Cung vẫn đang vượt cầu

Theo Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), trong quý 1 năm 2018, thương mại hồ tiêu thế giới có nhiều biến động, giá giảm sâu nhất từ trước tới nay và phần lớn đã nằm dưới giá chi phí sản xuất của các nước, trừ Brazil.

Tình hình thương mại các nước sản xuất và xuất nhập hồ tiêu lớn đang biến động khó lường, các nhà mua chính đang có xu hướng ít giao dịch hơn, đăc biệt Mỹ, Châu Âu và Trung Đông.

Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn khoảng từ 61.000-64.000 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là 49.000 đồng/kg. Do giá tiêu giảm mạnh nên mặc dù thời gian qua Việt Nam xuất nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.

Báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, khối lượng xuất khẩu tiêu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 88.000 tấn, giá trị 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 đạt 3.692 USD/tấn, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đánh giá tình hình xuất khẩu hồ tiêu từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết, các giao dịch trong mua bán hồ tiêu diễn biến khá sôi động.

Tuy nhiên, năm nay nhiều nhà nhập khẩu cũng thường dựa vào lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa những dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp trong mua bán.

Bên cạnh đó, đây cũng là cao điểm vụ thu hoạch, nhiều nông dân ồ ạt bán ra do yếu tố tâm lý và áp lực trả nợ ngân hàng, các đại lý hạn chế thu mua khiến nguồn cung trong một thời điểm ngắn hạn bị vượt quá cao… đã khiến giá hồ tiêu liên tục đi xuống trong thời gian này.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, kinh doanh cả nội địa và xuất khẩu đều vất vả do thương mại ngành hồ tiêu thế giới diễn biến quá mạnh.

Tình trạng giá thấp và biến động không ngừng đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung ứng trong nước đều chịu rủi ro cao do có một số doanh nghiệp bán đón.

Việc này có thể có lợi cho một số doanh nghiệp, do giá xuống nhưng số chung trong từng thời điểm đã gặp rủi ro, tình trạng xù hàng, không thanh toán hợp đồng xảy ra liên tục, nhất là trong năm 2017.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn; trong đó có Việt Nam có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ vẫn cao hơn năm 2017 và cao hơn nhu cầu.

Điều này khiến giá hồ tiêu trên thị trường thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu của người trồng tiêu sụt giảm mạnh.

Xuất khẩu tiêu Việt Nam không chỉ gặp khó do nguồn cung đang lớn hơn cầu mà còn phải đương đầu do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan…

[Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn?]

Hướng đến phát triển bền vững

Trong bối nguồn cung tiêu vẫn đang vượt cầu, việc tìm hướng đi cho ngành hồ tiêu đang là trăn trở của các doanh nghiệp, người trồng tiêu hiện nay.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, với giá hồ tiêu sụt giảm như hiện nay, Hiệp hội khuyến cáo nông dân nên ngưng trồng mới hồ tiêu.

Đồng thời, nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu để bán tiêu sạch nhằm đạt được giá tốt nhất.

Nhìn lại diễn biến thị trường, giá cả hồ tiêu thế giới trong vòng gần 30 năm qua, ông Willem Van Walt Meijer, Tổng giám đốc điều hành Công ty Nedspice Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù giá hồ tiêu đang ở mức thấp nhưng với tình hình cung cầu thị trường hiện nay, thì giá hồ tiêu sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong vài năm tới đây.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Công ty Nedspice đã liên kết với hàng nghìn hộ nông dân trồng tiêu ở Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu để làm ra sản phẩm sạch, có thể đáp ứng yêu cầu ở những thị trường khó tính nhất.

Đây cũng là những thị trường sẵn sàng trả giá mua cao hơn với những sản phẩm chất lượng, uy tín.

Theo ông Willem Van Walt Meijer, để làm được điều này, công ty này thường xuyên thưởng và khuyến khích nông dân làm ra sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, rà soát lại quy trình sản xuất, các khâu trung gian để giảm chi phí thấp nhất có thể.

Vì nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ, có nhiều nông dân sản xuất nên việc kiểm soát chất lượng không dễ, nhưng ngành hồ tiêu cần làm cho được vấn đề truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, uy tín, thương hiệu hồ tiêu Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhờ việc liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững giữa các hộ nông dân với một số doanh nghiệp mà hồ tiêu ở đây có giá cao hơn so với một số địa phương khác.

Hiện tỉnh này đã từng bước hình thành vùng hồ tiêu có chứng nhận sản xuất theo hướng bền vững với diện tích 1.338ha và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu đen Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu cần ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhằm kiểm soát diện tích, cắt giảm chi phí sản xuất… cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Đây cũng là hướng phát triển bền vững mà ngành hồ tiêu cần lưu ý trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng hiện nay.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau vụ việc trộn hỗn hợp than pin, vỏ cà phê vào hồ tiêu vừa được phát hiện vừa qua, đã có một số đối thủ lợi dụng sự cố này để bôi nhọ hồ tiêu, càphê Việt Nam trên thị trường.

Dù đây là vụ việc cá biệt, nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng hồ tiêu trên thị trường.

Do vậy, VPA cần nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển chất lượng hồ tiêu Việt Nam cũng như nghiên cứu phát triển thương hiệu hồ tiêu Việt Nam và quảng bá chất lượng hồ tiêu Việt Nam ra thế giới để người tiêu dùng hiểu hơn và có thể tiếp cận với những sản phẩm hồ tiêu Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.