Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam kéo dài với tốc độ lây lan nhanh, khó lường, nguy hiểm đang tác động đến mọi mặt đời sống của người dân.
Nhưng chính vào thời điểm khó khăn này, cả nước lại ấm lòng trước những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những trường hợp gặp khó khăn do giãn cách xã hội.
Ngày 31/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 4 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Được giảm tiền điện đợt này là những trường hợp sử dụng điện sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, giảm toàn bộ tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly.
[Chính phủ đồng ý giảm 2 tháng tiền điện cho người dân do COVID-19]
Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền từ việc giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền giảm trong 4 đợt ước tính hơn 16.300 tỷ đồng.
Nối ngay sau chính sách hỗ trợ, giảm giá điện, Chính phủ yêu cầu xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là tại các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Chính phủ cũng có ý kiến về việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay.
Ngay sau đó, các nhà mạng đưa ra gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng được triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Đón nhận thông tin về các chính sách hỗ trợ nêu trên, người dân phấn khởi cho rằng động thái này của Chính phủ là rất đáng trân trọng. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia kịp thời và hiệu quả, giúp người dân vơi bớt áp lực khó khăn về tài chính khi bị cách ly bởi đại dịch; động viên người dân giữ vững tinh thần để đồng lòng, đồng sức, nỗ lực cùng Chính phủ vượt qua COVID-19.
Từ những chính sách hỗ trợ này, người dân cũng thấy rõ, Chính phủ không chỉ tập trung phòng chống dịch mà còn hướng đến việc đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện "mục tiêu kép" là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tiếp tục đưa ra giải pháp hỗ trợ thiết thực giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất.
Có thể thấy làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 kéo dài đang tác động đến mọi mặt đời sống, xã hội. Biến chủng Delta đã lây lan rất nhanh và đại dịch đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tỷ lệ thất nghiệp cả nước hiện là 2,52%, trong đó khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Một số ngành đã suy giảm trong năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn như lĩnh vực lữ hành giảm sâu 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%. Có 70.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng của cả nước là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách, nơi chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động (xấp xỉ 4 triệu người) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội.
Một số khu công nghiệp, doanh nghiệp tạm thời phải dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động, Bắc Ninh tạm đóng cửa các khu công nghiệp với 42.000 lao động.
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong những ngày qua đã có nhiều chuyến hồi hương bằng xe máy với hành trình hàng ngàn km; là những gương mặt âu lo, mệt mỏi khi chứng kiến dịch COVID-19 đe doạ đến sự an toàn và sức khỏe của người thân; là nỗi lo âu của người mất việc làm, mất thu nhập...
Trong bối cảnh đó, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tha thiết kêu gọi: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.”
Nối sau đó, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện về phòng, chống dịch COVID-19, nêu rõ tinh thần: bảo đảm đời sống của người dân để họ có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách.
Chính bởi vậy, ba chính sách hỗ trợ, giảm giá điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ viễn thông như là “một miếng khi đói.” Sự hỗ trợ đó giúp người dân thêm sức chống chịu dịch bệnh và thật sự yên tâm, vững tin vào vào các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền, để họ thực hiện việc giãn cách một cách nghiêm ngặt.
Ấm lòng người hơn nữa khi nhìn vào bối cảnh hiện nay để thấy rõ: Tình hình sản xuất, kinh doanh rất khó khăn. Nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau nên lúc này rất cần sự tiết kiệm chi để có thêm nguồn lực chống dịch.
Thế nhưng, Chính phủ vẫn quyết định dành tâm sức, tiền của để hỗ trợ người dân lúc khó khăn. Bởi vậy, đây không chỉ là sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, mà còn là nghĩa đồng bào, sự sẻ chia cùng vượt nghịch cảnh...
Nghĩa tình ấy, sẻ chia ấy là rất đáng trân trọng./.