Dịch nCoV: Ngành dịch vụ của Trung Quốc tổn thất nặng nề

Virus 2019-nCoV bùng phát khiến người dân Trung Quốc bị buộc phải ở nhà, hủy bỏ việc đi lại và tránh tụ tập, gây trở ngại cho ngành dịch vụ.
Dịch nCoV: Ngành dịch vụ của Trung Quốc tổn thất nặng nề ảnh 1Một rạp chiếu phim ở Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Các chuyên gia kinh tế ước tính, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) gây ra tại Trung Quốc đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (144 tỷ USD) cho các nhà hàng, ngành du lịch và phim ảnh trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Virus 2019-nCoV đến nay đã làm 304 người tử vong và khiến nhiều người bị lây nhiễm hơn cả dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2003. Dịch bệnh lần này đã khiến một phần lớn đất nước Trung Quốc rơi vào bế tắc. Người dân Trung Quốc đang bị buộc phải ở nhà, hủy bỏ việc đi lại và tránh tụ tập, gây trở ngại cho ngành dịch vụ.

Ông Nhậm Trạch Bình, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Evergrande, cho biết các nhà hàng và hãng bán lẻ đã ghi nhận doanh số hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong tổng số này là con số dự kiến cho kỳ nghỉ Tết năm 2020.

Một người quản lý tại một nhà hàng ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) nói với báo mạng Caixin rằng nhà hàng này thường có doanh thu trung bình 500.000 nhân dân tệ/ngày trong kỳ nghỉ, nhưng năm nay nhà hàng đã mất nhiều triệu nhân dân tệ.

Haidilao - chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc - ngày 28/1 cho hay họ sẽ đóng toàn bộ các địa điểm ở Trung Quốc Đại lục đến ngày 31/1. Tính đến cuối tháng 6/2019, Haidilao đã vận hành 550 nhà hàng tại 116 thành phố ở Trung Quốc Đại lục. Tập đoàn Jiumaojiu, một nhà điều hành nhà hàng có cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, cho biết họ sẽ đóng cửa hơn 300 nhà hàng cho đến ngày 9/2.

Khi nhiều nhà điều hành nhà hàng vừa và nhỏ bị mất doanh thu, một hiệp hội bất động sản ở Quảng Châu hôm 30/1 kêu gọi các chủ nhà bỏ và giảm tiền thuê cho các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn. Trong một bức thư gửi các chủ nhà, Hiệp hội cho thuê bất động sản Quảng Châu kêu gọi họ từ bỏ tiền thuê nhà cho tháng Hai và giảm tiền thuê một nửa trong 2 tháng tới.

Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Wanda Group - chủ sở hữu của hơn 300 trung tâm mua sắm trên toàn nước này - đã từ bỏ gần 4 tỷ nhân dân tệ tiền thuê cho các thương nhân. Nhà điều hành cửa hàng nội thất Red Star Macalline và nhà phát triển bất động sản China Resources Land đều công bố miễn trừ tiền thuê nhà một tháng cho các thương nhân.

Tuy nhiên, những biện pháp này có thể không đủ để giảm bớt áp lực tài chính đối với các nhà điều hành nhà hàng. Giá thuê thường chiếm 10-15% doanh thu của nhà hàng, trong khi chi phí lao động có thể lên tới 20-30%.

Người quản lý nhà hàng Quảng Châu nói với Caixin rằng việc đầu tiên anh cần làm sau kỳ nghỉ là chuẩn bị tiền trả lương cho nhân viên. Anh cho biết nếu không được hỗ trợ tài chính, nhà hàng có thể bị phá sản.

Ủy ban Điều hành Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ra thông báo vào ngày 25/1, yêu cầu các ngân hàng không cắt giảm các khoản vay và giảm lãi suất cho vay đối với các nhà bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, hậu cần và các công ty du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch virus 2019-nCoV.

Các ngành du lịch và điện ảnh đang gặp khó khăn hơn sau khi các công ty du lịch được yêu cầu đình chỉ tất cả các nhóm du lịch, các điểm du lịch lớn đã bị đóng cửa và tất cả 8 bộ phim dự kiến ra mắt trong kỳ nghỉ đã bị thu hồi.

Các hãng phim Trung Quốc thường phát hành các bộ phim lớn trong kỳ nghỉ, và các bộ phim dịp năm mới là những công cụ tạo doanh thu lớn, với doanh thu 5,9 tỷ nhân dân tệ trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, chiếm 10% tổng doanh thu năm 2019. Các bộ phim năm mới của năm nay được dự kiến sẽ thu về 7 tỷ nhân dân tệ doanh thu phòng vé. Năm ngoái, tổng doanh thu du lịch đạt 513,9 tỷ nhân dân tệ trong 7 gày Tết Nguyên đán. Doanh thu bán hàng cho du lịch, phim ảnh, nhà hàng và bán lẻ chiếm gần 7% GDP quý 1/2019.

Theo chuyên gia Nhậm Trạch Bình, so với năm 2013, khi dịch SARS hạ gục 2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP hàng quý, tỷ lệ tiêu dùng trong GDP hiện nay cao hơn nhiều, có nghĩa là dịch bệnh sẽ có tác động lớn hơn đến nền kinh tế.

Chuyên gia Nhậm Trạch Bình ước tính, trong trường hợp tốt nhất, giả định rằng dịch bệnh có thể nhanh chóng được ngăn chặn và chấm dứt vào tháng Tư, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ mức 6,1% năm 2019 xuống còn 5,4% trong năm nay. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, giả sử dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, ông ước tính tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ đạt 5%.

Ông Nhậm Trạch Bình đề xuất các động thái quan trọng là cắt giảm thuế cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và tích cực mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vì vẫn chưa rõ khi nào dịch 2019-nCoV sẽ giảm, các nhà kinh tế đã đưa ra những ước tính khác nhau về tác động kinh tế của dịch bệnh. Ông Ngụy Thượng Tiến (Wei Shangjin), Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia và là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, tỏ ra lạc quan hơn.

Chuyên gia này ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm, bởi phần lớn tổn thất bán lẻ ngoại tuyến sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng trong mua sắm trực tuyến khi Trung Quốc bước vào kỷ nguyên thương mại Internet. Trong đợt dịch SARS năm 2013, nhiều nhà kinh tế đã đánh giá quá cao tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.