Dịch viêm phổi cấp khiến giá dầu sụt giảm mạnh trong tháng Một

Giá dầu Brent giảm 4,2% trong tuần qua và rớt gần 12% trong tháng Một năm nay.
Đổ xăng cho các phương tiện tại Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: TXH/TTXVN)
Đổ xăng cho các phương tiện tại Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: TXH/TTXVN)

Mối quan ngại về tác động của sự lây lan của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona mới (2019-nCoV) gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng đã “phủ bóng đen” lên thị trường dầu mỏ thế giới trong suốt tuần qua.

Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/1 vừa qua, giá dầu giao kỳ hạn giảm 2% xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua khi số ca tử vong do dịch viêm phổi cấp do virus corona mới tại Trung Quốc gia tăng, qua đó làm giảm nhu cầu đi lại và triển vọng nhu cầu năng lượng tăng chậm lại.

Việc chứng khoán Phố Wall phục hồi đã giúp giá dầu thế giới dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trong ngày 28/1 vừa qua. Tuy nhiên, xu hướng đi xuống đã quay trở lại trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần này.

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona mới (2019-nCoV) gây ra.

Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm hơn 250 người tử vong và hơn 11.000 người nhiễm ở 25 quốc gia trên thế giới, tính đến ngày 1/2.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. 

Sự bùng phát của dịch virus Corona được cho là sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, với tổng số ca nhiễm mới cao hơn so với số lượng ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002-2003.

Trong khi đó, Saudi Arabia đã mở cuộc thảo luận về việc tiến hành sớm cuộc họp chính sách sắp tới của OPEC+ vào đầu tháng Hai thay vì trong tháng Ba tới, sau khi giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng việc chuyển dời cuộc họp có thể gây tác dụng ngược.

[OPEC+ có thể hành động nếu nCoV tác động xấu tới thị trường dầu mỏ]

Carsten Fritsch, Chuyên gia phân tích tại Commerzbank, nhận định rằng việc cuộc họp OPEC+ diễn ra sớm hơn dự kiến ban đầu có thể được thị trường hiểu là một phản ứng hoảng loạn và do đó có tác dụng ngược lại.

Bên cạnh đó, theo ông Fritsch, hiện chưa thể dự đoán được mức độ mà nCoV gây tổn hại đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 31/1, giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent Biển Bắc tiếp tục giảm nhẹ, qua đó nới rộng đà lao dốc của giá dầu trong tuần và tháng qua.

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng Ba tới trên sàn Nymex tại New York hạ 58 xu Mỹ (tương đương 1,1%) xuống 51,56 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 7/8/2019.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng mất 13 xu Mỹ (tương đương 0,2%) xuống 58,16 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent tháng Ba đã hết hạn vào cuối phiên, giá dầu Brent giao tháng Tư năm nay giảm 71 xu (tương đương 1,2%) còn 56,62 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu WTI mất 4,9% trong tuần qua, qua đó nâng tổng mức giảm trong tháng 1/2020 lên 15,6%, đánh dấu tháng giảm giá mạnh nhất của mặt hàng này kể từ tháng 5/2019.

Giá dầu Brent giảm 4,2% trong tuần qua và rớt gần 12% trong tháng Một vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.