Điện Biên: Bà con mòn mỏi chờ cầu treo Sam Lang được sửa chữa

Cầu treo Sam Lang bị đứt gãy cách đây đã gần một tháng, song đến nay vẫn chưa có một đơn vị thi công nào đến sửa chữa, khiến người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, đi lại vô cùng khó khăn.

Sau trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 hồi tháng Bảy vừa qua, cầu treo Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) bị đứt gãy nghiêm trọng.

Đã gần một tháng trôi qua, cầu treo Sam Lang vẫn chưa được sửa chữa, người dân phải đi lại bằng bè tre.

Từ trung tâm xã Nà Hỳ, phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ liên tục với quãng đường lầy lội, dốc lên xuống theo những quả đồi, chúng tôi mới đến được cầu treo Sam Lang.

Cây cầu trị giá 3,5 tỷ đồng sau hơn hai tháng đi vào sử dụng, do ảnh hưởng của mưa bão giờ trở nên tan hoang.

Cầu bị đứt một bên cáp chính, mặt cầu bị gãy đôi, một nửa rơi hẳn ra khỏi tháp trụ, gập khúc cắm xuống lòng suối, nửa còn lại bị lật nghiêng vẫn còn dây cáp treo lơ lửng.

Anh Giàng A Khoa, người dân bản Sam Lang cho biết cầu Sam Lang vừa mới được khánh thành với bao niềm vui của bà con thì trận lũ ngày 19-20/7 đã khiến cầu bị đứt cáp và hỏng nặng. Giờ đây, người dân lại không có cầu để qua suối, bà con mong Nhà nước sớm có kế hoạch để sửa chữa lại cầu.

Điều đáng nói là cầu treo Sam Lang bị gãy cách đây đã gần một tháng, song đến nay vẫn chưa có một đơn vị thi công nào đến sửa chữa, khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn.

Nếu trước đây người dân có thể bắc cầu tạm để đi lại thì hiện nay mưa lũ khiến hai bờ suối Nậm Pồ bị sạt lở nặng, lòng suối mở rộng nên không thể bắc cầu tạm.

Dưới cây cầu Sam Lang tan hoang là ba chiếc bè tre do anh Chảo Lú Páo (bản Sam Lang) làm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Anh Páo cho biết, từ sau khi cầu bị gãy, biết là việc chui túi nylon để qua suối là vô cùng nguy hiểm nên người dân không còn sử dụng biện pháp này.

Bởi vậy, anh cùng với em trai là Chảo Xoang Páo đã làm ba chiếc bè tre để chở người dân qua suối, mỗi lần qua suối Páo thu 10.000 đồng/người/lượt, xe máy thì 20.000 đồng/người/lượt.

Tuy nhiên, việc qua suối bằng bè tre cũng không đảm bảo an toàn khi mà trời mưa to, nước suối chảy xiết.

Chúng tôi đã chứng kiến cảnh bè tre trôi tự do rất nhanh theo dòng nước khiến Páo và em trai, một người dùng sào tre cắm xuống lòng suối để giữ bè khỏi trôi, một người nhảy xuống suối để kéo bè vào bờ.

Trong trường hợp trên, nếu bè có xe máy hoặc nhiều hàng hóa thì Páo và em trai khó có thể giữ được.

Theo ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kết cấu-Hạ tầng huyện Nậm Pồ, do trận lũ vào tháng Bảy vừa qua, mưa rất to khiến nước suối Nậm Pồ dâng cao kỷ lục, nhiều cây gỗ lớn trôi theo dòng nước va đập vào thân cầu, cùng với sức nước mạnh đã gây đứt một bên cáp treo chính và hệ thống cáp treo phụ khiến cầu bị gãy đôi.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại do đang bận đi công tác, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên cho biết việc tu sửa cầu treo Sam Lang đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào đề án xây dựng 186 cầu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, ngày 19/8 có đoàn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào kiểm tra để tiến hành tu sửa.

Ngoài việc phải dùng bè để qua suối Nậm Pồ, việc đi lại đối với người dân bản Sam Lang vẫn là một vấn đề vô cùng nan giải, đặc biệt là vào mùa mưa.

Trên con đường duy nhất từ Sam Lang về trung tâm xã Nà Hỳ còn rất nhiều khó khăn. Chỉ cách cầu Sam Lang khoảng 200 mét là một cây cầu gỗ mà người dân bắc tạm để qua suối, con đường từ bản Sam Lang về trung tâm xã Nà Hỳ lầy lội bùn đất, chỉ có thể đi bộ mà không thể đi lại bằng bất cứ phương tiện nào khác.

Theo anh Giàng A Khoa, mỗi tuần một lần, anh và các hộ trong bản Sam Lang lại phải đi bộ từ bản về trung tâm xã Nà Hỳ để mua muối, dầu mỡ và một số lương thực, thực phẩm dùng cho cả tuần.

Lên đường từ lúc 7 giờ, quãng đường chỉ dài khoảng 15km nhưng phải đến 19 giờ mọi người mới quay về đến bản.

Bởi vậy, ngoài việc sửa chữa cầu Sam Lang, bà con rất mong mỏi con đường duy nhất nối liền bản làng với trung tâm xã được sửa chữa, khắc phục để có thể đi lại thuận tiện hơn.

Cầu treo Sam Lang được xây dựng bởi sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, sau khi xuất hiện việc người dân, giáo viên, học sinh ở Sam Lang mùa lũ phải chui vào túi nylon để qua suối.

Cầu được Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) ủng hộ để xây dựng, với tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 5/2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục