Điện Biên có thêm 13 “Nghệ nhân Ưu tú” về Di sản Văn hóa Phi vật thể

Việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” là nguồn động lực để các nghệ nhân làm tốt công tác gìn giữ, truyền đạt, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể của các dân tộc.

Điện Biên có thêm 13 “Nghệ nhân Ưu tú” về Di sản Văn hóa Phi vật thể ảnh 1Trao Bằng chứng nhận Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho các nghệ nhân của tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ công bố và trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, năm 2022 cho các nghệ nhân trên địa bàn.

Theo Quyết định số 1021/QĐ-CTN, ngày 9/9/2022 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú,” tỉnh Điện Biên có 13 cá nhân được phong tặng dịp này.

Trước đó, trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận 20 hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân,” “Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể lần thứ 3.

Trong số này, có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và 2 hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Trải qua 3 cấp hội đồng xét tặng (gồm Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước), tỉnh Điện Biên có 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú,” trong đó 9 nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 2 nghệ nhân thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, 2 nghệ nhân thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao.

[Nghệ nhân dân tộc thiểu số: Chắt chiu, gìn giữ bản sắc văn hóa]

Đến nay, Điện Biên có 41 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên nhấn mạnh trong quá trình gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ nhân có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia lưu giữ, sáng tạo, truyền dạy và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” là nguồn động lực để các nghệ nhân làm tốt công tác gìn giữ, truyền đạt, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy trong thời kỳ đổi mới.

Từ đó, góp phần cùng các địa phương trên cả nước xây dựng nền văn hóa “Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục