Cách thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) khoảng 30km, hồ tự nhiên Noong U (bản Tìa Ló B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Hồ có diện tích rộng khoảng 4ha, nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng, được ví như “mắt rừng” của vùng rẻo cao Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông).
Được bao bọc giữa tứ bề núi rừng, lại nằm cạnh rừng thông hơn 20 năm tuổi, cùng với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, địa mạo khu vực xung quanh vừa hoang sơ, vừa trữ tình, hồ Noong U đẹp như một bức tranh thủy mặc, tạo điểm nhấn rất quan trọng về du lịch sinh thái, tham quan trên địa bàn.
[Photo] Điện Biên: Ngược dãy núi Phù Lùng, khám phá hồ Noong U
Vào mùa này, xuất phát từ lòng chảo Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) về hồ Noong U, hai tuyến dường dẫn đến điểm du lịch này đã được phủ màu vàng bởi bạt ngàn hoa dã quỳ bung nở hai bên đường.
Sắc vàng của loài hoa đặc hữu vùng rẻo cao này đã làm con đường về hồ Noong U không còn hoang hoải, tạo cảm giác phấn khích cho du khách. Đặc biệt hơn, suốt hành trình về bản Tìa Ló B, du khách sẽ được đi qua những tiểu vùng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Thái, Mông... tạo những không gian trải nghiệm về những nét văn hóa, sinh hoạt thường ngày của người dân vùng cao.
Cả hai tuyến đường chính về Khu Du lịch hồ Noong U đều có độ cao tăng dần. Do đó, tại những vị trí có tầm nhìn thông thoáng, du khách sẽ có dịp bao quát được cảnh bao la, khoáng đạt, trùng điệp núi đồi khi phóng tầm mắt ra xa.
Những bản làng của cộng đồng các dân tộc nằm yên bình dưới chân núi, bám lưng chừng núi tạo cho du khách những ấn tượng khó quên.
Đặt chân đến Khu Du lịch hồ Noong U, du khách sẽ có ấn tượng ngay khi được tản bộ, thả hồn dưới tán rừng thông xanh, tận hưởng bầu không khí trong lành và từng làn gió mang hơi nước của hồ thổi về thật thư thái.
Rừng thông và những vạt rừng tái sinh nơi đây ôm trọn hồ Noong U. Điểm nhấn cho cảnh sắc xung quanh hồ là những cây cầu gỗ nhỏ bắc qua những “vùng vịnh” nơi lòng hồ ăn sâu vào bờ - giúp cho du khách có thể khám phá được quanh lòng hồ thuận lợi.
Những thảm hoa xung quanh hồ đang kỳ đua sắc, rặng lau sậy ven bờ bung nở hoa trắng muốt cả một vùng không gian, mang lại cảm giác bất ngờ, thích thú đối với du khách.
Khu vực gần bờ những bè cỏ, rong rêu và các ụ đá nổi nằm rải rác càng tạo cho du khách cảm giác ngỡ ngàng như đang “lạc” vào cảnh quan sinh thái của rừng ngập mặn ven biển.
Vào những buổi sáng sớm, mặt hồ Noong U bảng lảng hơi sương, trên lưng núi, trên những nương đá tai mèo, quanh hồ mây trắng bồng bềnh, mờ ảo. Điểm xuyết trong không gian tĩnh lặng là tiếng kêu của một vài loại thú rừng cùng tiếng chim hót.
Buổi trưa, mặt hồ trong xanh, gợn sóng lăn tăn hiền hòa, in bóng dáng núi, mây trời và rừng thông xanh. Lúc này chính là thời điểm thích hợp nhất để du khách buông cần câu cá, giải trí.
Theo ông Cứ Chừ Tú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhi (nay chia tách thành hai xã Pú Nhi và Noong U), là già làng bản Tìa Ló B (xã Pú Nhi), người phụ trách quản lý hồ Noong U, ngoài tên gọi Noong U (có nghĩa là “cái ao tĩnh lặng”) theo cách đặt tên của cộng đồng dân tộc Thái, thì hồ còn có tên gọi khác là Pa Già (nghĩa là “Ao Rồng”) theo cách đặt tên của cộng đồng người Mông.
Khi những hộ dân đầu tiên thuộc cộng đồng dân tộc Mông đặt chân ngược núi lên khu vực này dựng nhà, phát nương làm rẫy quanh khu vực hồ, rừng ở đây còn hoang vu lắm.
Rồi chiến tranh chống Pháp xảy ra, người dân dắt díu nhau di tản đi chỗ khác. Sau ngày giải phóng, số ít cộng đồng dân tộc người Mông trước kia lại quay về đây quần cư, sinh sống.
Hồ Noong U được người dân phát hiện ra trong quá trình ngược núi, luồn rừng đi tìm đất để khai hoang trồng cây lúa nương, trồng cây ngô, cây sắn. Tuy nhiên, những câu chuyện mang màu sắc tâm linh kỳ bí, huyền hoặc gắn với hồ Noong U được lưu truyền trong cộng đồng mà thời đó khiến chẳng ai dám bén mảng đến hồ. Do đó, hồ Noong U vẫn bị “lãng quên” trong hoang vu hàng chục năm như thuở ban đầu.
Cũng theo lời già làng Cứ Chừ Tú, vào khoảng năm 1994, khi có được những kiến thức về nuôi cá nước ngọt tích lũy được từ các hội nghị do ngành Nông nghiệp tổ chức, ông đã đau đáu về một địa điểm phù hợp để khởi nghiệp mô hình kinh tế kết hợp vườn, rừng.
Sau bao ngày đắn đo, ông Tú quyết tâm “đánh thức” tiềm năng hồ Noong U, tận dụng lòng hồ để thả cá. Thời điểm đó, với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, ông Tú đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản cùng chung tay nuôi cá với ông.
Bằng sự nỗ lực của mình, ông đã chứng minh cho mọi người trong bản, xã thấy được hồ Noong U là tài sản quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân để phát triển sinh kế, thoát khỏi cái đói, cái nghèo cho dân bản. Sau những vụ thu hoạch cá ở hồ Noong U, câu chuyện mang sắc màu kỳ bí, ma mị tồn tại trước đây trong dân bản mới được xóa khỏi.
Thành công từ mô hình nuôi cá trong hồ, nhiều năm sau, ông Cứ Chừ Tú bắt tay tạo cảnh quan cho khu vực quanh hồ bằng việc trồng rừng thông. Thời đó, khi ông Cứ Chừ Tú lựa chọn loài cây thông để trồng đã khiến nhiều người dân trong bản, chính quyền địa phương nghi ngại, can ngăn. Bởi thực tế, cây thông thời điểm đó rất lạ đối với người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhờ công chăm sóc, kết hợp với những yếu tố thời tiết, nền nhiệt, thổ nhưỡng thích hợp, những mầm thông do ông Cứ Chừ Tú gieo trồng đã phát triển xanh tốt, qua hàng chục năm đã tạo nên một “lá phổi xanh” độc đáo trên địa bàn.
Theo ông Cừ Chứ Cứ, khuôn viên rừng thông hiện nay rộng hơn 7.000m2, có tuổi đời hơn 20 năm được ông thực hiện sau chuyến “xuống núi” dài ngày nhất trong đời, đi vào thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tham quan, công tác.
Để có được rừng thông như hiện tại, ông đã dùng sáu bao tải cây giống thông để ươm mầm, trồng trên diện tích nương khô cằn, có mật độ đá tai mèo thưa nhất của gia đình.
Hiện nay, già làng Cứ Chừ Tú và nhóm hộ thân tộc đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan cần thiết với chính quyền địa phương để được quản lý, khai thác toàn bộ khu vực lòng hồ và diện tích rừng xung quanh.
Để thực hiện ý tưởng biến hồ Noong U thành một địa điểm tham quan, du lịch sinh thái, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài tỉnh, ông Cứ Chừ Tú đã “thổi hồn” cho cảnh quan khu vực xung quanh hồ bằng việc cải tạo thêm một số hạng mục như dựng hệ thống cầu gỗ trên đường đi ra hồ; dựng các lán, chòi quanh hồ, hệ thống xích đu, lắp đặt các bàn đá dưới tán rừng thông, trồng các vườn hoa xen trong những nương đá để phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi cho du khách.
Đặc biệt, gia đình già làng Cứ Chừ Tú và các hộ dân đã bước đầu cải tạo nhà ở để có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú cho du khách; xây dựng thực đơn ẩm thực là những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống của đồng bào dân tộc Mông để du khách thưởng thức khi có nhu cầu đặt hàng.
Già làng Cứ Chừ Tú chia sẻ: "Hồ Noong U nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, địa hình, địa mạo đa dạng, khí hậu trong lành rất thích hợp cho việc du lịch, dã ngoại, khám phá. Tuy nhiên, hai tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ dẫn về địa bàn đã xuống cấp, vào mùa mưa hay xảy ra sạt lở, trơn trượt gây ách tắc giao thông, do vậy hồ Noong U vẫn chưa thu hút được lượng lớn du khách như mong muốn. Nếu giao thông thuận lợi, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư để khu du lịch này được đồng bộ hơn, đa dạng loại hình dịch vụ cũng như chất lượng phục vụ. Khi đó, đòi hỏi người dân bản chúng tôi cũng phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đặc trưng của cộng đồng dân tộc để phục vụ nhu cầu của du khách. Hiện nay, hoạt động du lịch ở Khu Du lịch hồ Noong U chủ yếu tập trung vào các dịp cuối tuần, số lượng khách đến kỳ nghỉ dịp lễ còn khiêm tốn bởi họ chỉ đến rồi đi trong ngày."/.