Diễn biến tích cực trong tranh cãi thương mại giữa Anh và Pháp

Anh hoan nghênh Pháp hoãn các biện pháp trừng phạt và sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề đánh bắt cá, bao gồm việc xem xét bằng chứng mới để hỗ trợ các đơn xin cấp phép còn lại.
Diễn biến tích cực trong tranh cãi thương mại giữa Anh và Pháp ảnh 1Tàu cá neo ở cảng Scarborough, Đông Bắc Anh ngày 4/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/11, người phát ngôn Chính phủ Anh đã hoan nghênh quyết định của Pháp hoãn các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ áp dụng với Anh từ ngày 2/11 liên quan tranh cãi thương mại về quyền đánh bắt cá kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong một tuyên bố, người phát ngôn của Chính phủ Anh nêu rõ: “Anh hoan nghênh thông báo của Chính phủ Pháp về việc sẽ không triển khai các biện pháp (trừng phạt) đã đề ra như kế hoạch vào ngày 2/11.”

Quan chức này khẳng định quan điểm nhất quán của Anh là sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề đánh bắt cá, bao gồm việc xem xét bằng chứng mới để hỗ trợ các đơn xin cấp phép còn lại.

Anh cũng hoan nghênh việc Pháp thừa nhận rằng cần có các cuộc thảo luận sâu hơn để giải quyết hàng loạt khó khăn trong mối quan hệ Anh-Liên minh châu Âu (EU).

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost cho biết đã chấp nhận lời đề nghị gặp gỡ từ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune.

Ông Frost viết: "Tôi mong chờ cuộc đàm phán (với Bộ trưởng Beune) ở Paris vào ngày 4/11 tới.”

[Anh bác tuyên bố của Pháp liên quan tranh cãi về quyền đánh bắt cá]

Trước đó, Paris tuyên bố sẽ cấm tàu đánh cá Anh cập bến tại các cảng của Pháp và tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Anh vào Pháp từ ngày 2/11 nếu Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson không cấp thêm giấy phép cho các tàu cá của nước này.

Tuy nhiên, vài giờ trước thời hạn trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ trì hoãn thực thi các biện pháp để "tạo cơ hội" cho các cuộc đàm phán, sẽ tiếp tục vào ngày 2/11.

Phát biểu bên lề Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), ông Macron cho rằng không nên áp đặt các biện pháp trừng phạt khi đàm phán đang diễn ra và cho biết Anh sẽ có những đề xuất mới trong cuộc đàm phán tại Paris vào cuối tuần này giữa Bộ trưởng Frost của Anh và Bộ trưởng Beaune của Pháp.

Tổng thống Macron cho biết ông tin rằng Thủ tướng Anh sẽ xem xét các đề xuất của Pháp một cách nghiêm túc để các cuộc đàm phán có thể thành công.

Tổng thống Macron đã đưa ra quyết định trên sau những can thiệp của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm xoa dịu căng thẳng leo thang giữa Anh và Pháp.

Trong nỗ lực hòa giải, EC ngày 1/11 thông báo triệu tập một cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức của EC, Pháp, Anh để đưa ra giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề còn tồn tại.

Trong khi Paris muốn có thêm giấy phép cho các tàu đánh cá, các quan chức Anh khẳng định cuộc họp khó có thể giải quyết tranh chấp trừ khi Pháp đưa ra bằng chứng mới về lịch sử hoạt động đánh bắt tại vùng biển nước này.

Tranh chấp về cấp phép đánh bắt cá thời kỳ hậu Brexit là một phần trong quan hệ căng thẳng gần đây giữa Anh và Pháp.

Căng thẳng trong quan hệ song phương về quyền đánh bắt cá đã âm ỉ trong nhiều tháng sau khi Anh không cấp phép cho một số tàu thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của Anh như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.

Pháp cáo buộc Anh chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này được hưởng theo thỏa thuận. Trong khi Anh cho biết đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31/12/2020, tương đương giải quyết tới 98% các đơn xin cấp phép của EU, Pháp khẳng định số còn lại không được cấp chủ yếu là tàu thuyền của Pháp.

Anh cho biết chỉ từ chối cấp phép cho các tàu thuyền không chứng minh được lịch sử đánh cá trong vùng biển của Anh trước Brexit, trong khi Pháp cáo buộc London cố tình kéo dài quy trình cấp phép và nhằm chủ yếu vào các tàu đánh cá của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.