Pháp bắt giữ một tàu của Anh đánh bắt cá không giấy phép

Theo Bộ Hàng hải Pháp, tàu cá bị bắt giữ được đưa tới cảng Le Havre và bàn giao cho các quan chức tư pháp để phục vụ điều tra, trong khi thuyền trưởng của tàu có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự.
Pháp bắt giữ một tàu của Anh đánh bắt cá không giấy phép ảnh 1Một tàu đánh cá của Anh. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 28/10, lực lượng chức năng Pháp cho biết đã bắt giữ một tàu của Anh đánh bắt cá không giấy phép trong vùng biển nước này, đồng thời phát cảnh cáo đối với một tàu khác cũng của Anh.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng liên quan tới các thỏa thuận hậu Brexit.

Bộ Hàng hải Pháp cho biết tàu cá bị bắt giữ đã được đưa tới cảng Le Havre và bàn giao cho các quan chức tư pháp để phục vụ điều tra, trong khi thuyền trưởng của tàu có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin nhấn mạnh: "Đây không phải là chiến tranh, song là một cuộc chiến (pháp lý)."

Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình Cnews, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết Pháp sẽ có thái độ không khoan nhượng đối với Anh, theo đó sẽ chặn gần như toàn bộ tàu thuyền của Anh cho tới khi London cấp đủ giấy phép đánh bắt cá mà ngư dân Pháp cần.

Hiện văn phòng của Thủ tướng Anh Boris Johnson chưa phát biểu gì về thông tin liên quan các tàu đánh cá bị phía Pháp bắt giữ nói trên.

[Anh phản ứng trước biện pháp trừng phạt liên quan quyền đánh bắt cá]

Vụ bắt giữ tàu cá Anh là diễn biến mới nhất trong hàng loạt tranh cãi giữa nước này với Pháp khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Pháp khẳng định phía Anh còn “nợ” gần 50% giấy phép đánh bắt cá mà Pháp được phép nhận theo thỏa thuận sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 27/10, trong động thái phản đối việc London từ chối cấp giấy phép nói trên, Paris đã thông báo sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa nếu các cuộc đàm phán song phương không đạt tiến triển.

Thông báo nêu rõ, kể từ ngày 2/11, Pháp sẽ áp đặt thêm các thủ tục kiểm tra hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang cân nhắc tới vòng trừng phạt thứ hai và không loại trừ khả năng xem xét lại hoạt động xuất khẩu điện của nước này sang Anh.

Trước thông tin này, London tuyên bố sẽ có phản ứng phù hợp dựa trên những đánh giá thận trọng đối với các biện pháp của Paris.

Giới phân tích nhận định kế hoạch này sẽ chất thêm khó khăn cho nền kinh tế Anh trước mùa lễ Giáng sinh trong bối cảnh "xứ sương mù" đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và giá năng lượng tăng phi mã.

Trong thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU, có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó...

Tuy nhiên, Pháp và Anh chưa nhất trí về vấn đề này. Tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo Eo biển Manche 9,6-19km), Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp yêu cầu cấp 244 giấy phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.