Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021 chú trọng nhiều chủ đề lớn

Trong khuôn khổ EEF 2021, còn có các cuộc đối thoại kinh doanh Nga-ASEAN, Nga-Hàn Quốc, Nga-Nhật Bản, Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ, Nga-châu Âu, và Nga–Italy và một số cuộc thảo luận khác.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021 chú trọng nhiều chủ đề lớn ảnh 1Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2021 (EEF), diễn ra tại Vladivostok, Liên bang Nga. (Nguồn: TASS)

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, sáng 2/9, Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) đã khai mạc tại Đảo Russlyi, thành phố Vladivostosk thuộc vùng Viễn Đông của nước Nga.

Đây là diễn đàn để Nga thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời quảng bá, thu hút đầu tư vào khu vực Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên của nước này.

Chủ đề chính của EEF 2021 là: “Cơ hội cho Viễn Đông trong thế giới đang chuyển đổi”. Chương trình nghị sự của diễn đàn được chia thành 4 nội dung chính: "Nền kinh tế mới: Những gì thay đổi và không thay đổi," "Viễn Đông: Những thách thức và cơ hội mới," "Trách nhiệm chung của chúng ta trong thế giới đang thay đổi" và "Thanh niên EEF."

Chủ đề “Nền kinh tế mới: Những gì thay đổi và không thay đổi” sẽ gồm các phiên thảo luận về những vấn đề như thách thức và cơ hội toàn cầu đối với vùng Viễn Đông và Bắc Cực, quan hệ đối tác chống lại đại dịch, chuyển đổi kỹ thuật số, năng lượng không carbon, các ngành công nghiệp sáng tạo, khoa học và đổi mới, du lịch và thể thao.

Với chủ đề “Viễn Đông: Những thách thức và cơ hội mới,” các đại biểu tham dự các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến phát triển vùng Viễn Đông, gồm đầu tư, thực hiện các dự án lớn, hậu cần, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ thông tin, kinh tế, doanh nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận hàng không và vũ trụ và những triển vọng đối với vùng này. Một số phiên thảo luận được dành để cải thiện chất lượng cuộc sống ở Viễn Đông.

[Tổng thống Nga sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 6]

Chủ đề “Trách nhiệm chung của chúng ta trong thế giới đang thay đổi" được dành cho biến đổi khí hậu, phát triển y học, hoạt động tình nguyện, tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển các khu vực tự nhiên được bảo vệ đặc biệt.

Các đại biểu tham dự chủ đề “Thanh niên EEF”, được tổ chức lần đầu tiên tại diễn đàn, sẽ thảo luận về các chủ đề như giáo dục và nghề nghiệp, tinh thần kinh doanh và truyền thông mới. Dự kiến sẽ có các bài thuyết trình về các sáng kiến và dự án thanh niên cũng như các cuộc gặp của giới trẻ và các vận động viên nổi tiếng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ EEF 2021, còn có các cuộc đối thoại kinh doanh Nga-ASEAN, Nga-Hàn Quốc, Nga-Nhật Bản, Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ, Nga-châu Âu, và Nga–Italy và một số cuộc thảo luận khác, trong đó có “Quan hệ Đối tác Á-Âu mở rộng như một cơ chế hội nhập hiệu quả,” “Hội nghị quốc tế APEC về giáo dục đại học.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể của EEF 2021 vào ngày 3/9, cùng với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev, Tổng thống Mông Cổ Ukhnagiin Khurelsukh. Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha sẽ gửi video chào mừng diễn đàn.

Tổng thống Putin cũng thảo luận qua giao thức trực tuyến tại các phiên quan trọng của diễn đàn, trong đó có hội nghị trực tuyến về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông.

Trước đó, ông đã gửi lời chào mừng tới các đại biểu và khách mời của Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ VI, trong đó khẳng định diễn đàn tạo được uy tín quốc tế quan trọng, góp phần xây dựng quan hệ hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp Nga và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng bày tỏ tin tưởng diễn đàn sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề khắc phục hậu quả kinh tế, xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Dự kiến, EEF 2021 sẽ kéo dài đến ngày 4/9. Thông Tấn xã Việt Nam là một đối tác truyền thông của diễn đàn lần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.