Bài viết đăng trên mạng formiche.net (Italy) nhận định rằng thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên được ký ngày 11/4 giữa Algeria và Italy đã khuấy động vùng nước giữa các quốc gia Địa Trung Hải.
Hoạt động ngoại giao của Italy trong những tuần gần đây, do Ngoại trưởng Luigi Di Maio và Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng ENI Claudio Descalzi dẫn đầu, đã mang đến thành quả đầu tiên: Bổ sung 9 tỷ m3 vào 21 tỷ m3 khí đốt đã được bơm hàng năm qua đường ống TransMed. Câu chuyện này đang khiến Madrid “đứng ngồi không yên.”
Vấn đề địa chính trị phức tạp
Hiện tại, Algeria là nhà cung cấp khí đốt chính của Tây Ban Nha. Như tờ El Mundo đã chỉ ra, 9 tỷ m3 khí đốt bổ sung mà Italy yêu cầu tương đương toàn bộ sản lượng Algeria cung cấp cho Tây Ban Nha, thông qua tuyến đường ống duy nhất đang vận hành (Medgaz) giữa hai nước.
Tuyến còn lại (Đường ống dẫn khí đốt Maghreb-châu Âu, Meg) xuyên qua lãnh thổ Morocco, nhưng đã bị Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cho ngừng hoạt động. Và ở đây, vấn đề địa chính trị bắt đầu xuất hiện giữa Algeria và Morocco.
Ngày 31/10/2021, Algiers chấm dứt hợp đồng đã ký kết với Rabat liên quan việc trung chuyển đường ống khí đốt. Tổng thống Tebboune ra lệnh chấm dứt quan hệ thương mại giữa Công ty dầu khí nhà nước Algeria Sonatrach và Văn phòng Điện lực và Nước uống Morocco (ONEE), bao gồm việc chấm dứt hợp đồng nói trên.
Vấn đề vốn tồn tại giữa hai nước liên quan khu vực Tây Sahara, nơi chính quyền Morocco từ lâu đã phải đối đầu - dưới nhiều hình thức - với các phần tử ly khai thuộc Mặt trận Polisario, những người có mối quan hệ lịch sử với Algeria (và có trụ sở ngoại giao ở thủ đô Algiers).
Sự chia rẽ vốn có càng trầm trọng hơn bởi sự ra đời của Thỏa thuận Abraham, theo đó Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel và thông qua một tam giác địa chính trị, đã nhận được sự ủng hộ của Washington (bên xây dựng và làm trung gian cho thỏa thuận này) về "đề xuất quyền tự trị."
[Nhiều quốc gia EU sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng]
Bằng đề xuất này, từ năm 2007, Rabat tuyên bố trước Liên hợp quốc chủ quyền đối với khu vực tranh chấp thông qua một kế hoạch áp dụng quyền tự trị cho khu vực này. Một bước chuyển biến đã thúc đẩy mặt trận đòi độc lập ở Morocco tiến đến việc phá vỡ lệnh ngừng bắn đã có từ năm 1991, cho dù xung đột vẫn chưa bùng phát trở lại.
Mặt trận Polisario đã tuyên bố “gián đoạn” liên lạc với Chính phủ Tây Ban Nha nhằm phản đối sự thay đổi quan điểm của Madrid đối với vùng lãnh thổ tranh chấp, tố cáo "việc lợi dụng vấn đề Tây Sahara trong các cuộc đàm phán với bên chiếm đóng (Morocco)."
Vào ngày 18/3, Tây Ban Nha tuyên bố nước này đã công khai nhất trí kế hoạch về quyền tự trị của Rabat đối với lãnh thổ này, chấm dứt quan điểm trung lập kéo dài 10 năm qua.
Với quyết định đó, Tây Ban Nha đã cố gắng chấm dứt một cuộc tranh cãi nổ ra vào tháng 4/2021 khi nước này cho phép lãnh đạo lực lượng đòi độc lập ở Tây Sahara Brahim Ghali được điều trị COVID-19 tại một bệnh viện ở Tây Ban Nha. Vào dịp đó, sau tin nhập viện, hàng nghìn người di cư đã đổ về Ceuta - một vùng đất của Tây Ban Nha ở Morocco.
Các mối quan hệ về năng lượng với Algeria cũng như mối quan hệ trong kiểm soát vấn đề di cư với Morocco đã đè nặng lên lợi ích của Tây Ban Nha trong cuộc tranh cãi này. Mới đây, Quốc vương Mohammed VI của Morocco đã tiếp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong chuyến thăm lịch sử nhằm mở ra một giai đoạn gắn kết mới giữa hai nước. Algeria đã bày tỏ sự "ngạc nhiên" - một cách tiêu cực - về quan điểm của Tây Ban Nha trong khi Madrid cho biết đã thông báo trước về quyết định của mình với Algiers.
Những mối lo ngại về năng lượng
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận giữa Algeria và Italy đã khiến Tây Ban Nha vô cùng lo lắng. Nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha nhận định: "Chính sách của Italy về Tây Sahara khác với chính sách của Thủ tướng (Tây Ban Nha), người ủng hộ việc tôn trọng quyền của người dân Sahrawi và không ủng hộ rõ ràng việc Morocco thu nạp vùng đất này.”
Hiện tại, Thủ tướng Tây Ban Nha chưa thể đến Algiers bởi căng thẳng giữa hai nước khiến Tây Ban Nha càng thêm lo lắng khi đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng giá khí đốt và năng lượng (như các nước châu Âu khác).
Bài bình luận trên nhật báo El Mundo cho rằng: “Algeria, một trong những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chủ yếu cho Tây Ban Nha, đang bắt đầu công khai xích lại gần hơn với Italy trong khi nới rộng khoảng cách với đất nước chúng ta. Rõ ràng, thất bại tiếp theo của Chính phủ sẽ là việc đánh mất vào tay Italy cơ hội đưa Tây Ban Nha trở thành trung tâm phân phối khí đốt chính của Algeria cho toàn châu Âu.”
Đáp lại chỉ trích đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã sử dụng giọng điệu hòa giải, thông báo rằng "nguồn cung cấp khí đốt từ Algeria được đảm bảo" và nhấn mạnh tình hình của Italy "không thể so sánh với Tây Ban Nha." Sự phụ thuộc của Italy vào khí đốt Nga là 40%, trong khi của Tây Ban Nha là 8%. Hãng thông tấn ANSA của Italy khẳng định: “Chắc chắn, Italy không tham gia vào một cuộc tranh cãi hoàn toàn nội bộ với Tây Ban Nha và đến giờ này mới chỉ trên các phương tiện truyền thông.”
Các nguồn tin thân cận trong vấn đề năng lượng của Italy chỉ thận trọng khẳng định rằng Algeria có lượng khí đốt chưa sử dụng và do đó, như người phát ngôn của Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã nêu rõ trong họp báo, Madrid không gặp rủi ro về nguồn cung. Hơn nữa, như các nguồn tin khẳng định, Italy sẵn sàng tạo ra các cơ sở hạ tầng cùng có lợi cho cả đôi bên.
Trung tâm của châu Âu hay chỉ là một hòn đảo năng lượng?
Cùng với Hy Lạp và Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha đều đang đi đầu trong mặt trận năng lượng châu Âu và thúc đẩy một phản ứng chung của toàn khối. Đó là mua và quản lý chung, thiết lập trần giá, cải cách thị trường năng lượng Liên minh châu Âu (EU) nhằm tách rời giá điện khỏi giá loại tài nguyên đắt đỏ nhất (hiện nay là khí đốt).
Kế hoạch mang tên “Nền tảng Năng lượng” đã ra đời vào tuần trước tại Brussels, là bước đầu tiên theo định hướng của các quốc gia Địa Trung Hải.
Mặc dù việc tham gia vào cơ chế này là tự nguyện, song tất cả 27 nước thành viên hiện đã góp mặt trong các cuộc thảo luận liên quan. Vì vậy, từ góc độ cộng đồng chung EU, không có vấn đề gì nảy sinh.
Thậm chí ngược lại, bán đảo Iberia thực sự đã được chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận khí đốt tự nhiên, đặc biệt là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển đến bằng tàu biển (chiếm 55% nhu cầu quốc gia).
Madrid có thể tin tưởng vào 6 trong số 20 nhà máy khí hóa hiện có ở EU, ngoài 30% lượng dự trữ cùng với LNG do Mỹ cung cấp (hiện là nguồn cung thứ hai của Tây Ban Nha) dự kiến sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, một số trở ngại đang gây khó khăn cho kế hoạch của Tây Ban Nha nhằm mục tiêu trở thành trung tâm khí đốt ở châu Âu. Mặc dù khí đốt là loại năng lượng được Tây Ban Nha lựa chọn để phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng và do đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ ngày càng tăng, song khí đốt chỉ chiếm 25-30% tổng nhu cầu năng lượng toàn quốc.
Là quốc gia tiêu thụ LNG hàng đầu EU, Tây Ban Nha đang và sẽ nhập khẩu một lượng khí đốt và dần trở nên dư thừa nguồn năng lượng này. Vấn đề nằm ở chỗ các tuyến kết nối với bên ngoài, hiện chỉ có hai đường ống dẫn đến Pháp, không đủ đáp ứng yêu cầu bơm hết trên 7 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Tây Ban Nha đến phần còn lại của châu Âu./.