"Đỉnh cao đế quốc" đã giải phẫu Đà Lạt đến từng chi tiết

Mất 10 năm “săn lùng” Đà Lạt ở năm quốc gia, nhà sử học Eric T.Jennings đã cho ra đời tác phẩm "Imperial Heights" viết về Đà Lạt đến từng chi tiết, từng góc cạnh nhỏ nhất và cũng toàn diện nhất.
"Đỉnh cao đế quốc" đã giải phẫu Đà Lạt đến từng chi tiết ảnh 1Dịch giả Phạm Viêm Phương giới thiệu cuốn sách “Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp.” (Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN)

Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từng là nơi đặt tham vọng toàn cầu của một đế quốc Pháp là điều mà ít người biết tới. Những giá trị đỉnh cao của thế giới khi đó trong tất cả các lĩnh vực đều được lựa chọn để đưa vào thành phố này.

Mất 10 năm “săn lùng” Đà Lạt ở năm quốc gia Việt Nam, Pháp, Anh, Mỹ và Thụy Sĩ, nhà sử học Eric T.Jennings đã cho ra đời tác phẩm "Imperial Heights" (Đỉnh cao đế quốc) viết về thành phố Đà Lạt. Một tác phẩm đã “giải phẫu” Đà Lạt đến từng chi tiết, từng góc cạnh nhỏ nhất và cũng toàn diện nhất, có căn cứ khoa học, khách quan nhất từ trước tới nay.

Ngày 3/10, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Thư viện tỉnh Lâm Đồng cùng Trường đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Imperial Heights" bản tiếng Việt là “Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” của tiến sỹ Eric T.Jennings (Canada). Cuốn sách là một bản “bách khoa toàn thư về Đà Lạt” đã khiến tất cả những người đọc nó phải sững sờ vì những khía cạnh chưa bao giờ được đề cập tới.

Eric T.Jennings, sinh năm 1970, hiện là giáo sư tại đại học Toronto (Canada) là một sử gia, chuyên về lịch sử thực dân Pháp. Luận án tiến sỹ của ông là “Thế chiến thứ 2 ở ba thuộc địa Pháp là Guadeloupe, Madagasca và Đông Dương.”

Ban đầu ông không có chủ định viết về Đà Lạt, nhưng trong suốt 10 năm "lục lọi" các tàng thư ở năm quốc gia để tìm hiểu về thực dân Pháp, ông đã phát hiện ra người Pháp đã đặt tham vọng vô cùng lớn vào thành phố trên cao nguyên ở Trung kỳ Việt Nam.

Một trong những nguồn tư liệu vô giá đã đem đến cho Eric T.Jennings những cứ liệu, căn cứ khoa học chính xác nhất về Đà Lạt chính là những biên bản làm việc của chính quyền Pháp qua các thời kỳ. Hiện tại, nguồn tài liệu rất lớn này vẫn đang được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trần Đức Tài (thành phố Đà Lạt), người đã tìm ra "Imperial Heights" và Eric T.Jennings trên mạng Internet và cũng là người hiệu đính cho bản tiếng Việt của cuốn sách này, kể: "Tôi bắt gặp những thông tin về cuốn "Imperial Heights" trên Internet và không thể không ngạc nhiên. Một pho sử chuyên về Đà Lạt của một sử gia nước ngoài. Điều chưa từng có! Một cuốn sách mới xuất bản năm 2011 do một nhà xuất bản rất uy tín là Đại học California. Cuốn sách thể hiện cặn kẽ sự hình thành Đà Lạt thời Pháp thuộc từ mọi góc độ chính trị, kinh tế, quân sự, quy hoạch, giáo dục và thậm chí cả tôn giáo và du lịch. Nguồn tư liệu phong phú của tác giả đã cung cấp vô số thông tin mới lạ mà tôi không thể nào tìm thấy ở các tài liệu sẵn có trong nước.”

Trong “Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp,” người đọc sẽ tìm thấy gần như tất cả những gì của Đà Lạt từ khi vùng đất này chưa được biết tới. Và đến cả những tham vọng biến nơi đây thành “nơi nghỉ dưỡng trên núi này thực tế đã nổi lên thành thủ đô của Liên bang Đông Dương vào năm 1946, và đóng vai trò một trung tâm quyền lực không chính thức cho đến 1955. Nó là biểu tượng hùng hồn của ách đô hộ và thống trị...” (trang 18).

Đến cả những nhận định sai lệch về Đà Lạt của người đã tìm ra nó là bác sỹ Yersin hay cả những biến cố trong lịch sử, công trình kiến trúc; những luận cứ được dẫn chứng cho thấy Đà Lạt là nơi đặt tham vọng toàn cầu của người Pháp.

Theo lý giải của tác giả, “những nghiên cứu của tôi về những thành phố nghỉ dưỡng thuộc địa Pháp ở khắp nơi càng làm cho tôi thấy rằng vai trò an dưỡng lẫn tham vọng quyền lực Pháp có liên quan mật thiết với sự hình thành Đà Lạt.”

Từ nay, những người yêu lịch sử, yêu Đà Lạt và thích đọc sách đã có một cuốn sách quý và hay về Đà Lạt được viết theo cách viết thu hút, lôi cuốn của một sử gia được Chính phủ Pháp trao Huân chương Cành cọ hàn lâm cấp hiệp sỹ vì những đóng góp từ các nghiên cứu của ông về lịch sử của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục