Đình chiến thương mại Mỹ-Trung: Kẻ 'ba hoa', người 'kiệm lời'

Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ-Trung đã đem đến “một thỏa thuận phi thường” với Trung Quốc thì Bắc Kinh thực tế khá kiệm lời về kết quả được các thị trường hoan nghênh.
Đình chiến thương mại Mỹ-Trung: Kẻ 'ba hoa', người 'kiệm lời' ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ ba, trái) trong buổi làm việc với Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ ba, phải) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1/12 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng AFP/ Reuters/ chinausfoucs.com, Mỹ và Trung Quốc mới đây đã nhất trí “đình chiến” - một động thái khiến các thị trường có thể tạm thời thở phào song chi tiết của thỏa thuận, những kế hoạch sắp tới, và nhất là thái độ của các bên vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

AFP cho biết ngày 4/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể kéo dài thêm thời gian đối thoại để giải quyết những tranh chấp thương mại với Trung Quốc so với lộ trình 90 ngày được ấn định trước đó.

Nhà lãnh đạo Mỹ hứa hẹn về những kết quả to lớn từ tiến trình đàm phán, song đe dọa sẽ áp đặt thêm các khoản thuế nếu hai bên không thể đạt đồng thuận, một nguy cơ có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.

Trong một loạt bình luận trên Twitter, ông cho biết các cuộc đàm phán có thể kéo dài tới tận sau ngày 1/3/2019.

Khởi điểm của tiến trình bắt đầu vào ngày 1/12 vừa qua khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires và nhất trí tìm kiếm một thỏa thuận để hóa giải các bất đồng.

Sau cuộc gặp, Mỹ đã tạm hoãn kế hoạch tăng mức thuế đánh vào số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc lên 25% dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2019, và quyết định duy trì mức thuế cũ là 10%.

Đổi lại, Washington cho biết Trung Quốc sẽ mua một khối lượng hàng hóa “rất lớn” từ Mỹ, gồm nông sản, năng lượng, sản phẩm công nghiệp và nhiều mặt hàng khác. Tổng thống Trump cũng nói rằng Trung Quốc sẽ “giảm và dỡ bỏ” mức thuế 40% đánh vào ôtô nhập khẩu, song Bắc Kinh chưa xác nhận thông tin này và cũng không có kỳ tuyên bố nào về các mặt hàng mà họ sẽ mua thêm.

Giới chức Mỹ trước đó nói rằng thỏa thuận sẽ bao gồm những lịch trình và chính sách cụ thể, song bình luận của Tổng thống Trump và nhiều nhân vật liên quan khác chưa thể hiện rõ những kết quả của cuộc gặp được kỳ vọng rất lớn ngày 1/12 vừa qua.

Theo nhận định của trang mạng chinausfocus.com, những điều khoản của thỏa thuận “đình chiến” Mỹ-Trung đã phản ánh rõ nét ai mới là bên chiếm thế thượng phong khi thù địch tái diễn.

[Tổng thống Mỹ: Đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn diễn ra tốt đẹp]

Một bài bình luận trên trang mạng này có đoạn: “Để đổi lấy việc Mỹ hoãn tăng thuế đối với khoảng một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc,… Bắc Kinh đã chấp nhận thảo luận một danh sách dài những nhượng bộ mà nếu được triển khai hoàn toàn sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản về hệ thống tại Trung Quốc.”

Theo chinausfocus.com, khó có khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện hay thậm chí là chỉ chấp nhận những thay đổi trên diện rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhiều khả năng cuộc chiến thương mại sẽ sớm leo thang trở lại và thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào khoảng cuối tháng 2/2019.

Vấn đề đặt ra là tại sao Tổng thống Trump lại chấp nhận “đình chiến” trong khi chỉ mới có được những hứa hẹn chưa cụ thể từ phía Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng quyết định này có thể sẽ hủy hoại ảnh hưởng mà ông có được khi phủ đầu Trung Quốc bằng thuế quan. Tuy nhiên, với việc tạm ngừng tăng thuế và đưa ra các điều khoản khắc nghiệt cho đối tác đàm phán, Tổng thống Trump có thể thể hiện quyền lực của mình và chứng minh những gì ông làm là đúng.

Hành động này cũng giúp ông không phải đánh đổi bất kỳ điều gì quá quan trọng mà vẫn có thể xoa dịu nhiều quan chức trong chính quyền, chẳng hạn như Bộ trưởng Mnuchin và ông Kudlow, những người từng kêu gọi một lập trường mềm mỏng hơn.

Trong khi đó, theo đánh giá của hãng tin Reuters, trong khi giới chức Mỹ có nhiều bình luận về cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, sự kiện mà Tổng thống Trump tuyên bố là đã đem đến “một thỏa thuận phi thường” với Trung Quốc, Bắc Kinh thực tế khá kiệm lời về kết quả được các thị trường hoan nghênh dù vẫn để lại nhiều câu hỏi này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan chính phủ duy nhất tổ chức các cuộc họp báo có sự hiện diện của giới truyền thông nước ngoài, liên tục từ chối trả lời các câu hỏi liên quan về chi tiết của cuộc gặp và cho rằng đây là vấn đề của Bộ Thương mại, đơn vị cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn chính thức nào.

Việc thiếu những thông tin cần thiết từ phía Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư và giới phân tích hoài nghi rằng liệu mọi chuyện có thực sự diễn ra đúng như những gì Mỹ tuyên bố hay không. Một quan chức nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng họ vẫn đang “chờ các nhà lãnh đạo trở về nước” trước khi công bố các chi tiết liên quan.

Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Thương mại và hai nhà ngoại giao hàng đầu, hiện đang ở thăm Bồ Đào Nha, và dự kiến về nước vào ngày 6/12.

Hãng tin Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định việc Trung Quốc quyết định giữ mọi chuyện ở mức mập mờ trong thời điểm hiện tại có thể phản ánh tâm lý muốn tránh bị xem là đã “đầu hàng” vô điều kiện trước những áp lực từ phía Mỹ.

Fang Kecheng, nhà nghiên cứu truyền thông Trung Quốc, hiện làm việc tại Đại học Pennsylvania, bình luận: “Rõ ràng Chính phủ Trung Quốc không muốn bị người dân xem thỏa thuận là một thất bại của Trung Quốc. Khung thời hạn 90 ngày (đàm phán) nghe như một tối hậu thư được bên mạnh đưa cho một đối tượng yếu thế hơn.”

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng đằng sau sự thận trọng của Bắc Kinh có thể là lo ngại về khả năng thỏa thuận đình chiến không tồn tại được lâu.

Andrew Gilhom, một chuyên gia của tổ chức cố vấn Control Risks, nói: “Họ (Trung Quốc) không muốn bị xem là đã đi cả chặng đường dài qua Thái Bình Dương để đưa ra những nhượng bộ nhằm xoa dịu Trump, song chỉ vài tuần sau, căng thẳng lại tiếp tục leo thang.”

Tuy nhiên, có thể còn có một yếu tố khác dẫn đến sự trái ngược trong phản ứng từ Bắc Kinh và Washington. Sự im lặng của Trung Quốc khác hẳn với thái độ hào hứng của các quan chức Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudow đều đã có những phát biểu về thỏa thuận mới vào ngày 3/12.

Giáo sư chuyên ngành báo chí Luwei Rose Luqiu, làm việc tại Đại học Baptist Hong Kong, cho rằng cách hành xử này phản ánh những khác biệt trong nền văn hóa chính trị của hai nước.

Tại Trung Quốc, các thông tin chính thức về những cuộc gặp như giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều được Bộ Ngoại giao soạn thảo trước và sau đó trình Văn phòng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn, và thường các văn bản này “không có nhiều chi tiết.”

Bà Luqiu, người đã có 20 năm kinh nghiệm đưa tin về cuộc gặp của giới lãnh đạo Trung Quốc và quốc tế khi còn là một phóng viên của kênh truyền hình Phoenix (Hong Kong), nói: “Khi đưa tin về các hội nghị song phương kiểu này, chúng tôi thường không có thông tin gì từ phía Trung Quốc.”

Bà nói thêm rằng truyền thông tại quốc gia này chỉ được đăng lại các thông tin từ hãng thông tấn Tân hoa xã, và “đó là văn hóa chính trị Trung Quốc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.