Đoàn cán bộ ngoại giao thăm các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Đoàn cán bộ ngoại giao đại diện người Việt Nam ở nước ngoài đến thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tại các nước.
Đoàn cán bộ ngoại giao thăm các tỉnh khu vực Tây Nguyên ảnh 1Thu hoạch càphê ở Tây Nguyên. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 1/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đoàn cán bộ ngoại giao đại diện người Việt Nam ở nước ngoài (các đại sứ, tổng lãnh sự) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thạch Dư làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tại các nước.

Tại buổi làm việc, Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó Trương Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã báo cáo với đoàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum với diện tích tự nhiên 54.474km2, dân số hơn 5,4 triệu người. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 25,7% dân số.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên luôn ổn định, kinh tế-xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không ngừng được nâng lên.

Kinh tế Tây Nguyên trong 10 năm qua đã có những chuyển biến quan trọng, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 10% năm). Thu nhập bình quân đầu người thu hẹp khoảng cách rất nhanh so với cả nước: năm 2001, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Nguyên là 2,9 triệu đồng (bằng 47% mức bình quân cả nước), đến năm 2013 đã tăng lên 31,04 triệu đồng (bằng 77% bình quân cả nước). Thu ngân sách hàng năm đạt 15.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên có chuyển biến vượt bậc, phát triển theo hướng mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu thị trường cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng Tây Nguyên là cây càphê, cao su, hồ tiêu, chè, điều... có giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt hàng tỷ USD. Hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư mạnh và có bước phát triển vượt bậc, đảm bảo nhu cầu dạy học, cũng như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 100% số xã trong vùng đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cở cở nuôi dạy trẻ khuyết tật... được thành lập mới hoặc mở rộng quy mô đào tạo. Trường đại học Đà Lạt và Đại học Tây Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của vùng.

Hiện nay, ở tất cả các thôn buôn vùng Tây Nguyên đã có cán bộ ytế cơ sở. Gần 97% xã, phường trong vùng có trạm y tế. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục, rộng khắp và bằng nhiều biện pháp có hiệu quả. Toàn vùng hiện còn 13,64% số hộ nghèo.

Trong 13 năm qua, vùng đã đào tạo nghề cho hơn 300.000 người; giải quyết việc làm cho trên 1,15 triệu lao động.

Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng kiến nghị với Đoàn công tác Bộ Ngoại giao, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài một số vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại như vấn đề thông tin về tình hình Tây Nguyên ra bên ngoài, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại cho Tây Nguyên; việc tăng cường quan hệ và đẩy nhanh phân giới cắm mốc với 2 nước láng giềng Lào và Campuchia; hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở vùng Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thạch Dư và các thành viên trong đoàn công tác rất vui mừng trước những thành tựu đạt được của các tỉnh Tây Nguyên. Thứ trưởng Thạch Dư mong muốn Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Ngoại giao cần có quy chế phối hợp để hai bên cung cấp thông tin nhanh và chính xác nhất cho các đại sứ nhằm phản bác lại những thông tin sai trái của các thế lực thù địch về vùng Tây Nguyên, nhất là vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền.

Các đại sứ, tổng lãnh sự sắp đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài cũng sẽ là cầu nối để cung cấp thông tin về Tây Nguyên với bàn bè quốc tế; đồng thời tìm kiếm, thúc đẩy việc đầu tư vào Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục