Nghị định số 29/2019/CP-NĐ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động. Theo đó, doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng và ký hợp đồng lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho người sử dụng lao động khác thuê lại.
[Tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2019, mức cao nhất hơn 4,1 triệu đồng]
Việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, việc cho thuê lại lao động còn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lao động là phải đóng 2 tỷ đồng tại tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, số tiền này có thể dùng để bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
Bên cạnh đó, Nghị định 29 quy định doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo định kỳ 6 tháng và năm về tình hình cho thuê lại lao động. Đặc biệt, báo cáo kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động./.