Doanh nghiệp dầu mỏ đồng loạt thu hẹp đầu tư, giảm biên chế

Doanh nghiệp dầu mỏ đồng loạt thu hẹp đầu tư, giảm biên chế-

Nguy cơ thị trường dầu thô thế giới đối mặt đợt giảm giá thứ hai khiến các “đại gia” năng lượng một lần nữa phải cắt giảm đầu tư và việc làm.
Doanh nghiệp dầu mỏ đồng loạt thu hẹp đầu tư, giảm biên chế- ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Nguy cơ thị trường dầu thô thế giới đối mặt với đợt giảm giá thứ hai khiến các “đại gia” năng lượng thế giới và các công ty khai thác dầu khí đá phiến Mỹ một lần nữa cắt giảm chi tiêu và và điều chỉnh hoạt động sản xuất.

Chỉ vài ngày sau khi bắt đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2015, tập đoàn dầu khí Chevron (Mỹ) và Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) thông báo kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm trên toàn cầu.

Whiting Petroleum Corp, nhà sản xuất dầu khí hàng đầu tại bang North Dakota - trung tâm dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ - cũng quyết định giảm ngân sách dành cho chi tiêu, xuống khoảng 2,15 tỷ USD trong năm nay, mặc dù trước đó công ty này lạc quan rằng đà giảm giá của dầu mỏ chỉ mang tính tạm thời. Whiting cũng dự định duy trì hoạt động của 8 giàn khoan dầu, thay vì 11 theo kế hoạch trước đó.

Tập đoàn khai thác dầu mỏ tư nhân hàng đầu Mỹ, ConocoPhillips, ngày 30/7 lại tiếp tục rút bớt các khoản chi trong năm 2015, giảm 500 triệu USD xuống 11 tỷ USD. CEO của ConocoPhillips, ông Ryan Lance, nói rằng tập đoàn đang chuẩn bị cho khả năng giá dầu xuống thấp và dễ biến động hơn.

Giá dầu thô thế giới đã sụt giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, với nguồn cung dôi dư khiến giá dầu trượt khỏi mức 100 USD/thùng. Sau khi chạm đáy 42 USD/thùng trong tháng 3/2015, giá dầu thô Mỹ đã tăng dần lên khoảng 60 USD/thùng vào tháng Năm, giúp các công ty khai thác dầu khí đá phiến Mỹ có cơ hội phục hồi.

Tuy nhiên, kể từ phiên giao dịch ngày 23/6 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm 20% xuống khoảng 49 USD/thùng. Đà trượt giá này đã dập tắt hy vọng nhen nhóm hồi tháng Năm của các doanh nghiệp dầu mỏ, rằng giá “vàng đen” sẽ duy trì ổn định ở mức 60 USD/thùng hoặc nhích lên 65 USD/thùng.

Quá trình khai thác tốn kém khiến cho lĩnh vực dầu khí đá phiến trở nên nhạy cảm hơn và phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.