Doanh nghiệp Đồng Nai liên kết với Hàn Quốc tiêu thụ nông sản

Trước nhu cầu nhập khẩu trái cây lớn từ Hàn Quốc, các doanh nghiệp Đồng Nai đang liên kết với Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Doanh nghiệp Đồng Nai liên kết với Hàn Quốc tiêu thụ nông sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay Hàn Quốc đã vươn lên thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đồng Nai với tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 644 triệu USD.

Trong đó, riêng tháng 6/2014 đạt 190 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013. Mặt hàng được xuất khẩu nhiều vào thị trường Hàn Quốc gồm giày dép, dệt may, xơ, sợi dệt các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản các loại...

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, nguyên nhân khiến hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh là do các doanh nghiệp được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong hiệp định kinh tế ASEAN-Hàn Quốc.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Dành cho biết, hiện Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây như chôm chôm, măng cụt, mít, chuối… với sản lượng ngày càng lớn.

Cụ thể, năm 2013 Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước 6.000 tấn xoài; dự kiến năm 2014 sẽ tăng lên 10.000 tấn và mức tăng trung bình về sản lượng nhập khẩu loại trái cây này là 50%/năm. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại rau, củ và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Hiện các doanh nghiệp trong tỉnh đang liên kết với các doanh nghiệp Hàn Quốc và các doanh nghiệp này đang xây dựng mạng lưới tiêu thụ với dự kiến sẽ sớm giới thiệu các loại trái cây Việt đến người tiêu dùng Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm tỉnh Đồng Nai (Dofico) cho biết, với chức năng nhiệm vụ được tỉnh giao đặc biệt là trong các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, Dofico đã và đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết với Công ty Nam Sa (doanh nghiệp Hàn Quốc) và các doanh nghiệp khác của Hàn Quốc.

Trong đó, trước mắt hai bên đã ký kết họp tác trong dịch vụ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản, vốn là thế mạnh của Đồng Nai. Cụ thể, Công ty Nam Sa đã hợp tác với Tổng công ty Dofico để trồng thử cỏ Italian Rygrass nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đang rất thiếu tại Hàn Quốc. Bước đầu, việc hợp tác này đã cho kết quả tốt và Dofico cũng đã chấp thuận mở rộng dự án trồng loại cỏ này lên 350ha.

Bên cạnh dự án trồng cỏ, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn hợp tác với Dofico cũng như các doanh nghiệp Đồng Nai trong việc xuất khẩu nông sản, súc sản, thủy, hải sản vào Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy việc hình thành hệ thống phân phối những mặt hàng trên tại nước này.

Ông Choi Young Chul, Tổng giám đốc Công ty Nam Sa, cho biết: "Hiện người dân Hàn Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, như trái cây. Tuy nhiên, trái cây của Hàn Quốc không đủ đáp ứng thị trường nên chúng tôi phải nhập khẩu một lượng lớn từ các nước khác. Do đó, Công ty Nam Sa đang rất quan tâm đến những loại trái cây của Việt Nam. Công ty chúng tôi đang tiến hành điều tra thị trường trong nước về nhu cầu trái cây sấy, trái cây đông lạnh để có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là Đồng Nai".

Tuy nhiên, ông Kim Taek Jun, Phó giám đốc điều hành Công ty Nam Sa cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc là thủ tục xuất, nhập khẩu do thị trường này có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng thực phẩm.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu kiểm tra thực tế đến từng nông trường có sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, từ giống cây, loại cây trồng cụ thể trong vườn đến loại đất, các loại khuẩn; kiểm tra đến từng nhà máy xử lý trái cây xuất khẩu, các khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển…

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty Thực phẩm G.C (G.C Food, khu công nghiệp Giang Điền) - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ cây nha đam, qua làm việc với đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nha đam của của quốc gia này khá lớn.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đòi hỏi chất lượng sản phẩm với những nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, trong đó yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng rất cao như hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000, máy móc thiết bị và nhà xưởng đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...

"Hầu hết các yếu tố này G.C Food đều có thể đáp ứng được, tuy nhiên vấn đề còn đang bàn là giá bán của G.C Food đang cao hơn so với mong muốn của doanh nghiệp Hàn Quốc và hiện nay, chúng tôi đang tiếp tiếp tục thương lượng. Dự kiến, tháng 8 tới đây, phía đối tác Hàn Quốc sẽ đến thăm nhà máy G.C Food và ký hợp đồng xuất khẩu”, ông Thứ cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.