Thời điểm này, khi dịch bệnh đang bủa vây tất cả, mọi chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý đều sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” các doanh nghiệp vốn đang như cá mắc cạn, thoi thóp “chờ chết” vì COVID-19.
Đặc biệt, loạt “cá” đang ngày ngày phơi mình trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) vừa đồng loạt “kêu cứu.”
Giải vây cứu "cá" cách nào?
Gần chục doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ, thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải vừa có đơn “cầu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh với mong muốn được miễn phí vé tham quan vịnh đến hết năm 2021.
Bên cạnh đó, họ đề nghị được giảm 50% giá vé tham quan đối với tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh đến hết năm 2022 (dự đoán khách quốc tế chỉ vào Việt Nam từ 2023); miễn phí dịch vụ neo đậu tại cảng bến đến hết 2022; miễn, giảm các phí, lệ phí vào, rời cảng bến… đến hết năm 2022.
[Du lịch Việt có thể học hỏi gì thế giới trong ‘trận chiến' COVID-19?]
Trong đơn kiến nghị có nêu: “Năm 2020, chúng tôi đã buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, doanh thu về 0 đồng trong suốt các tháng 3-4-5; các tháng 8-9-10-11-12 doanh thu giảm nghiêm trọng. Sang năm 2021, các tháng 2-3, 5-6 và có thể là trong tương lai vẫn tiếp tục ngừng hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu.”
Mặc dù hầu hết không có doanh thu hơn một năm rưỡi qua nhưng đại diện các doanh nghiệp cho biết với mỗi tàu lưu trú nghỉ đêm, họ phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng rất nhiều hạ tầng, cơ sở vất chất phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
“Một phần là nguồn vốn của doanh nghiệp và một phần từ nguồn tín dụng ngân hàng. Các khoản lãi vay đó đều đang tích lũy để trả trong tương lai nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng cho dù hoạt động kinh doanh bị ‘đóng băng’,” Giám đốc du thuyền Scarlet Pearl, ông Trần Hải Trung, một trong những doanh nghiệp đã ký vào đơn kiến nghị nói.
Theo ông Trung, các chi phí cố định như chi phí khấu hao, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hiểm tài sản, nhiên liệu vận hành hệ thống máy, nhân sự vận hành, neo đậu cảng bến, nhà chờ, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, đào tạo nhân sự mới (do lao động cũ nghỉ việc) trong những tháng hoạt động, phí gia hạn các giấy phép hàng năm… doanh nghiệp vẫn buộc phải chi trả.
Khó chồng khó
CEO Lux Group, chủ du thuyền Heritage Cruises, ông Phạm Hà chia sẻ: “Hiện hạ tầng cảng tàu du lịch tại thành phố Hải Phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các doanh nghiệp tàu du lịch Hải Phòng chưa thể sử dụng các cảng tàu du lịch ở Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) để phục vụ cho việc đón trả khách. Điều này đã làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp do phải sử dụng một hải trình xa hơn.”
Hầu hết doanh nghiệp kiến nghị đều đã hoạt động kinh doanh du lịch, tàu lưu trú nghỉ đêm lâu năm. Trước đó, họ đã có các sản phẩm tham quan, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng sau đó đầu tư sang vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) với mong muốn mang đến những sản phẩm và trải nghiệm tốt và mới mẻ hơn cho du khách.
Nhưng điều khiến họ trăn trở là “người bạn” ngay bên cạnh mình từ ngày 18/6 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho miễn 100% vé vào vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh cho du khách trong tất cả các ngày, từ nay đến hết năm 2021, thay vì mức giảm 50% như trước.
Hỗ trợ này nhằm giúp các doanh nghiệp tạo sản phẩm kích cầu trong bối cảnh du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã kịp thời có các chính sách kích cầu như miễn, giảm giá vé tham quan các điểm tham quan.
Trong bối cảnh một quyết định cũng có thể làm xoay chuyển tình thế, cứu sống vô số doanh nghiệp trên địa bàn cũng như sinh kế của hàng nghìn lao động, các doanh nghiệp ký đơn kiến nghị rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong thời điểm nguy cấp này.
“Doanh nghiệp ‘sống’ được mới tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu sạch bóng COVID-19 mà ‘sạch’ luôn doanh nhiệp thì có đáng và nên không? Hiện 5% doanh nghiệp còn lại đang sống lay lắt cũng sắp không thể gồng mình nổi. Nếu doanh nghiệp du lịch chết cả, tôi e rằng Việt Nam cũng không còn ngành du lịch…” ông Phạm Hà thở dài.”
Dù giáp nhau, nhưng rõ ràng các chính sách dành cho ngành “công nghiệp không khói” của các địa phương có khác. Và, cho dù chủ trương chính sách là gì thì việc cứu các hoạt động du lịch, khôi phục ngành kinh tế xanh... cần được thực hiện nhanh chóng nhằm giúp cho cuộc sống người dân sớm được bình ổn, để sớm qua đi những ngày “bão ở trong bão”./.
Nhờ chính quyền và doanh nghiệp đồng loạt triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu đồng bộ, tính từ 8/6 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận đã có gần 30.000 lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại các điểm đến tại địa phương. Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày cuối tuần 19-20/6, các danh thắng, di tích của tỉnh nổi bật như vịnh Hạ Long, Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu... đã đón gần 10.000 lượt khách, là người dân sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh. |