Thưởng thức bữa trưa phong cách đế vương trong một không gian sang trọng, cổ điển và đậm đặc nghệ thuật với ai đó đã là “ghê gớm” rồi. Nhưng nếu đặt tất cả bối cảnh đó giữa một du thuyền thiết kế theo kiến trúc hoàng gia, lại thấm đẫm tinh thần của lịch sử-văn hóa Việt và đặc biệt là bồng bềnh trôi giữa kiệt tác thiên nhiên kỳ vỹ vịnh Bái Tử Long, cảm xúc của bạn sẽ thế nào?
Riêng tôi chỉ muốn thốt lên “WOW đó là một trải nghiệm đã chạm đến tận cùng mỹ cảm vốn đam mê cái đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp “nhuốm màu xa hoa” của tôi trước một bữa tiệc đẳng cấp.
Và tôi gọi đây là một hải trình nghệ thuật - nơi vẻ đẹp của thiên nhiên tạo tác hòa quyện trọn vẹn với nét lộng lẫy từ kiến trúc, nghệ thuật và đặc biệt là ẩm thực… của một du thuyền.
“Đặc quyền của một bà hoàng”
Giữa vô số giá trị nghệ thuật trên Emperor Cruises Ha Long, tôi muốn chọn cho mình một “điểm dừng” là ẩm thực. Bởi nó thực sự khác biệt và độc đáo ở chỗ, nghệ thuật dường như bao phủ trên từng món ăn.
Trong khi cậu bếp trưởng Lê Đức Lung chỉ khiêm tốn giới thiệu đây là À la carte menu (thực đơn gọi món) thì ngay khoảnh khắc ấy tôi trộm nghĩ “ồ không, nó chính xác là Fine Dining-trải nghiệm ẩm thực tinh tế và sang trọng.”
[Thử trải nghiệm di sản vịnh Hạ Long theo một cách thật khác]
Bởi, ngay trong bữa tiệc mọi giác quan của tôi đã được đánh thức trước hết bằng cảm xúc vô cùng thú vị như đang lạc vào một cung điện thu nhỏ. Nhân viên phục vụ dễ mến xếp ghế, trải khăn ăn, rót ly vang trắng để tôi tận hưởng không gian hoa mỹ với các món ăn trình bày cầu kỳ, đẹp mắt lần lượt xuất hiện trên bộ bát đĩa gốm sứ cao cấp… cùng tiếng nhạc du dương, lãng mạn.
Ấn tượng là tất cả đều đang “di động” trên vùng vịnh tuyệt đẹp Bái Tử Long hoang sơ, kỳ thú để tôi có thể vừa thưởng thức các món ngon, nhâm nhi ly vang tê tê đầu lưỡi vừa thả tâm trí trôi theo những “thước phim thiên nhiên quay chậm” đang lững lờ trôi trước mắt, ở ngay bên ngoài khung kính kia của du thuyền.
Bữa trưa của chúng tôi đã bắt đầu bằng những cảm xúc đẹp và ấn tượng như thế trước khi chính thức “vào mâm” với súp bào ngư, salad hoa chuối với gà, rồi tới hàu nướng mỡ hành, tôm hùm nướng ăn kèm cơm rang và sốt hải sản, kết thúc bằng chè long nhãn hạt sen cổ truyền. Mọi thứ đều vừa vặn, hài hòa từ hương, vị, sắc và đủ kích thích mọi giác quan.
Dài dòng vậy để khẳng định lại một điều, tất cả trải nghiệm đó đích thị là Fine Dining. Một bữa ăn Fine Dining trên du thuyền lấy cảm hứng từ lối sống xa hoa của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của phong kiến Việt Nam.
Để hòa mình giữa không gian đậm chất hoàng gia nhưng ấm cúng nhờ kiến trúc cổ điển và nội thất hoàn toàn bằng gỗ, đặc biệt phảng phất hơi hướng hiện đại với cầu thang đôi xoắn gỗ theo lối kiến trúc mang đậm nét nghệ thuật này và để các món ăn có cảm giác ngon miệng hơn, chuẩn phong vị cung đình hơn, thử “biến hình” một chút, nhập vai thành các ông vua bà chúa với những chiếc áo dài may theo lối cổ được hãng tàu chuẩn bị sẵn.
Thời xưa, chỉ có tầng lớp vua chúa mới được thưởng thức súp bào ngư, chè hạt sen long nhãn và diện áo lụa. Mỗi bữa ăn cũng thường bày biện cầu kỳ tới cả chục loại bát đĩa quý. Và trên con tàu mang tên Hoàng Đế này, từ trang phục, ẩm thực, không gian đã là cả một câu chuyện thấm đẫm văn hóa truyền thống nước Nam.
Hẳn là chủ nhân con tàu đã phải rất am hiểu vốn cổ trong việc chọn lựa những giá trị nền tảng để bản thân Emperor đã là một điểm đến khác biệt và độc đáo với câu chuyện kể từ những chỉ dấu văn hóa của riêng mình.
Trên hải trình đó, thi thoảng tôi đã phải gạt đi những khoảnh khắc tâm trí đắm đuối theo các tác phẩm hội họa của người được mệnh danh là “picasso Việt Nam” Phạm Lực, phiêu dạt với bộ sưu tập những bức ảnh xưa cũ, đồ gốm sứ và cổ vật hoàng gia, hay lơ đễnh lạc trôi theo bức tranh thiên nhiên độc đáo của di sản chỉ để tập trung vào ẩm thực.
Nếu những du thuyền khác, bộ phận bếp hoạt động theo khung giờ cố định thì ở Emperor, bếp luôn sẵn sàng đỏ lửa để tôi hay “đồng bọn” có thể gọi món bất cứ lúc nào, ăn trong phòng, tại nhà hàng, hay tầng thượng theo ý thích và được đội ngũ nhân viên diện trang phục áo dài kiểu những năm 1930 phục vụ nhiệt tình.
Tôi bỗng thấy mình được nuông chiều như một bà hoàng. Bởi ngay khi bước chân lên du thuyền Hoàng Đế là tôi đã được trao đặc quyền ấy, đặc-quyền-của-một-bà-hoàng.
“Dịch vụ Tây” giá Việt Nam đồng
Trước khi COVID-19 bùng phát khắp thế giới, Emperor chạy dọc vịnh Bái Tử Long - vốn là lãnh địa dành riêng cho dòng khách sang quốc tế, với số phòng rất khiêm tốn (chỉ 10 cabin, bao gồm 4 phòng hạng Signature, 4 phòng hạng Stateroom và 2 phòng hạng Royal - Hoàng Gia) trên diện tích sàn hơn 600m2.
Cũng bởi du thuyền được làm để hướng tới phân khúc ngoại cao cấp với giá thành đắt đỏ so với mặt bằng tiêu dùng trong nước. Nhưng nay dịch bệnh khiến cả thế giới phải thay đổi để thích nghi và trong lúc chưa thể đón khách Tây, đội tàu lâm vào thế phải “tự cứu” mình trước, nhờ đó khách Việt có thêm cơ hội trải nghiệm dịch vụ du thuyền 5 sao giá Việt Nam đồng.
Để phục vụ khách nội địa, đội ngũ bếp đã phải cơ cấu lại để phù hợp với khẩu vị và nhu cầu khách trong nước. “Người Việt thường thích những món ăn được chế biến mặn mà, nhưng khách Âu thích cảm nhận hương vị chân thực của thực phẩm. Chẳng hạn người Việt mình thích một miếng bò xào đậm ăn kèm cơm, còn khách Âu lại muốn cắn miếng bò thì phải cảm nhận được vị bò sộc khắp khoang miệng trước rồi mới đến vị tiêu, muối, bơ thơm ngậy... Vì thế tùy từng dòng khách, chúng tôi sẽ gia giảm chế biến sao cho phù hợp nhất, với cùng một thực đơn,” bếp trưởng Lung chia sẻ.
Có kinh nghiệm phục vụ cả khách Tây và khách ta đi trên du thuyền cao cấp, Lung tự đúc kết rằng phục vụ dòng khách sang cần sự tỉ mỉ trong tất cả các khâu. Bởi họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, từ cách trang trí, kết hợp màu sắc nguyên liệu đến nêm nếm gia vị và hương vị món ăn… Đặc biệt, tỉ mỉ không chỉ ở khu bếp mà còn là việc phối hợp với nhà hàng, nhân viên phục vụ trong việc sắp xếp vị trí từng con dao, cái thìa, chiếc bát, đĩa hay lát bơ… Mọi thứ phải cực kỳ chuẩn chỉ.
Thực đơn trên tàu thường sẽ thay đổi 6 tháng một lần. Mỗi kỳ như vậy thực sự là một dịp “cân não” của đội ngũ bếp trong việc làm sao để hài hòa các giá trị dinh dưỡng với mỗi khẩu phần thịt, tinh bột, rau xanh cũng như tính toán cách kết hợp gia vị sao cho vừa miệng các nhu cầu khác nhau.
Nếu trước đây, khách Tây phải chi tới cả nghìn USD để trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực cũng như các dịch vụ trên tàu như sử dụng giường đôi cỡ lớn, quản gia và quầy bar riêng từng phòng, dùng bữa và spa tại phòng, thưởng thức miễn phí không giới hạn đồ uống trong hầm rượu vang, chiếu phim theo yêu cầu… thì giờ khách Việt chỉ phải trả từ 3.990.000-4.990.000 đồng/người.
Theo Chủ tịch Lux Group, “cha đẻ” của Emperor Cruises Ha Long, ông Phạm Hà cho biết cả con tàu được đặt hàng riêng và cá nhân hóa. Bởi ông Hà định nghĩa sang trọng là sự cá nhân hóa các trải nghiệm, đặc biệt với ẩm thực cũng được nâng lên tầm nghệ thuật phù hợp với từng nhu cầu riêng.
Với những gì có trên Emperor, tôi cho rằng đây thực sự là nơi ẩn mình sang trọng đáng giá cho những ai thích thưởng thức nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, âm nhạc và ẩm thực Việt theo phong cách hoàng gia. Đặc biệt trong bối cảnh gần như cả thế giới đang phong tỏa với du lịch như hiện nay, thì người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và trải nghiệm du thuyền phong cách hoàng gia “sang, xịn, mịn” mà “chất lượng tây giá ta” là lựa chọn nên cân nhắc./.