Doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng kinh doanh của ASEAN

Hơn 70% số doanh nghiệp Mỹ cho biết trong hai năm vừa qua, hoạt động thương mại và đầu tư của họ tại ASEAN gia tăng 89% và nhận định rằng sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới.
Doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng kinh doanh của ASEAN ảnh 1Kiểm tra áo jacket xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Kết quả khảo sát thường niên lần thứ 13, do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (AmCham Singapore) tiến hành đối với lãnh đạo của 588 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại 10 nước thành viên ASEAN được công bố ngày 28/8, cho thấy các doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo kết quả khảo sát, 74% số doanh nghiệp Mỹ cho biết, trong hai năm vừa qua, hoạt động thương mại và đầu tư của họ tại ASEAN gia tăng 89% và nhận định rằng các hoạt động này sẽ tiếp tục tăng trong năm năm tới.

Có tới 63% số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho rằng lợi nhuận tại ASEAN sẽ tăng trong năm nay và 81% hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong năm sau.

Hơn một nửa (53%) số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho biết sẽ tuyển dụng thêm lao động tại ASEAN trong năm nay, trong khi chỉ có 5% doanh nghiệp có kế hoạch giảm lực lượng lao động.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn (81%) số công ty Mỹ cho rằng sự hội nhập kinh tế của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ tại khu vực này.

Gần một nửa số doanh nghiệp (49%) cho biết đã xuất khẩu nhiều sản phẩm từ ASEAN sang Trung Quốc nhờ có Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà nhóm nước này ký với Trung Quốc, và từ 43-47% doanh nghiệp Mỹ xuất hàng từ ASEAN sang Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ tận dụng FTA của năm nước này ký với ASEAN.

Nhiều doanh nghiệp (51%) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư của họ tại Indonesia , Malaysia, Singapore và Việt Nam - bốn nước thành viên ASEAN đang tham gia đàm phán TPP, và chỉ có 2% doanh nghiệp cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của họ tại khu vực này.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp Mỹ vẫn cho tham nhũng tiếp tục là vấn nạn của ASEAN, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại đây. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tình trạng chồng chéo về pháp lý, thiếu minh bạch, cơ sở hạ tầng thấp kém và khó khăn trong thông quan hàng hóa ở một số nước thành viên ASEAN là những trở ngại đối với kế hoạch mở rộng đầu tư của họ tại khu vực này.

Cũng về quan hệ hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, theo tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị ở Naypyitaw của Myanmar ngày 28/8, các bộ trưởng kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN và Đại diện thương mại Mỹ Micheal Froman đã lạc quan cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả hai bên sẽ tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hưởng lợi từ quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN.

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và ASEAN đã được tăng cường, với kim ngạch trao đổi hàng hóa đạt 207 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 4% so với năm trước đó. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN, trong khi ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.