Doanh nghiệp ngậm ngùi với quy trình kiểm tra hàng xuất nhập khẩu

Quy trình kiểm tra hàng hóa chuyên ngành theo nhiều doanh nghiệp không những làm mất nhiều thời gian thông quan mà còn đang khiến các đơn vị phải bỏ chi phí lên tới tiền tỷ.
Doanh nghiệp ngậm ngùi với quy trình kiểm tra hàng xuất nhập khẩu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quá nhiều văn bản chồng chéo và bị coi là cứng nhắc giữa các bộ, ngành với khâu kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này theo nhiều doanh nghiệp không những làm mất nhiều thời gian thông quan mà còn đang khiến các đơn vị phải bỏ chi phí lên tới tiền tỷ.

Kiểm tra ổ đĩa cứng bằng cách… xóa dữ liệu

Không ít doanh nghiệp cũng như chuyên gia đã có chung nhận định này trong hội thảo: "Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu" vừa được Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức sáng 17/8.

Lấy ví dụ ngay về trường hợp doanh nghiệp mình, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng An Đô tính toán, mỗi năm công ty bà phải bỏ khoảng 700 triệu tới 1 tỷ đồng tiền kiểm tra chuyên ngành với mặt hàng vải nhập khẩu.

Điều đang nói theo bà là việc kiểm tra được lặp đi lặp lại có khi với những mẫu hàng giống nhau. "Một tuần có khi chúng tôi phải kiểm tra 6 mẫu vải giống hệt nhau," bà Tú Anh nói.

Cũng theo bà, một container hàng của công ty có thể gồm rất nhiều loại vải, có loại nhiều hàng nhưng có loại chỉ một vài cuộn. Tuy nhiên, quy định hiện tại yêu cầu phải kiểm tra 100% với những mặt hàng này không phân biệt giá trị, khối lượng. Điều này theo bà khiến mỗi lần kiểm tra có khi doanh nghiệp bà phải trả chi phí cho hàng chục loại.

Bà Tú Anh cũng cảnh báo, tình trạng buôn lậu có thể xuất phát từ chính những quy định như thế. Qua đó, vị lãnh đạo doah nghiệp trên đề xuất có thể kiểm tra theo xác suất hoặc có cơ chế ưu đãi với những doanh nghiệp thường xuyên chấp hành tốt quy định về thủ tục, chất lượng.

Không đề cập tới chi phí nhưng việc kiểm tra cứng nhắc như trên được bà Trần Lệ Thu, đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh Châu Á-Thái Bình Dương (CAPEC) nhấn mạnh.

Bà Thu dẫn chứng với quy định kiểm dịch với men bia hiện tại. Theo bà, men bia không thể lấy ra trong điều kiện bình thường nên việc lấy mẫu hiện theo bà vẫn thực hiện theo quy trình "tự khai báo rồi lấy giấy xác nhận." Đại diện CAPEC từ đó đặt ra câu hỏi liệu có cần kiểm tra trong những trường hợp như trên hay cần có quy trình kiểm tra khác ra sao để phù hợp hơn với thực tiễn.

Đưa ra ví dụ khác, bà Trần Lệ Thu nói về mặt hàng ổ đĩa cứng đã bị hỏng hóc. Theo bà, vì ổ cứng đã hỏng nên việc kiểm tra chỉ được tiến hành theo cách là… xóa sạch dữ liệu rồi dán tem cho các mẫu hàng.

"Thế nhưng, chúng tôi xuất đi cả container ổ cứng thì quá phiền hà vì quá tải nhân lực ở cơ quan chức năng, mà không kiểm tra đủ thì không xuất đi được. Vậy, có nhất thiết phải đưa đi xóa dữ liệu từng chiếc ổ cứng không," bà Thu đặt ra câu hỏi.

Sẽ xã hội hóa việc kiểm tra chuyên ngành?

Có những nhận xét tổng quan hơn về một loạt vướng mắc đã nêu, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID cho rằng, những quy định chồng chéo, không thống nhất đang làm khó người thực hiện.

Theo ông, cùng một luật như Luật An toàn thực phẩm nhưng các bộ lại có có cách hiểu khác nhau, thậm chí, cùng một quy định, mỗi đơn vị lại áp dụng một khác.

"Có nơi nơi cho đưa hàng về doanh nghiệp kiểm tra, nơi không cho; nơi yêu cầu phải xuất trình giấy nộp tiền thuế, nơi không yêu cầu; bổ sung C/O nơi phạt vi phạm, nơi không phạt…," ông Bình nói.

Nói riêng về quy trình kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, thủ tục này yêu cầu tới 10 loại chứng nhận các loại. Trong số này, 7 loại chứng nhận theo ông là bắt buộc phải có. Vấn đề trên theo ông khiến doanh nghiệp rất vất vả và mất thời gian. Ông cũng kiến nghị với các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam hoặc sản phẩm đã có chứng nhận của tổ chức uy tín thì được miễn trừ kiểm tra.

Ở khía cạnh khác, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan còn chỉ ra thực tế: "Hệ thống văn bản quá nhiều nhưng có nơi lại thiếu."

Ông Hải thẳng thắn chỉ ra văn bản về danh mục động vật phải kiểm dịch. Theo ông, Luật Thú y vừa được thông qua mới đây nhưng danh mục này vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trong khi ấy, danh mục cũ được xây dựng từ năm 2006 đã cũ và thực tế đã hết giá trị hiệu lực.

Ví dụ trên chỉ là một trong nhiều vấn đề còn thiếu theo ông Hải. Đây là những quy định được ông cho biết đang được cơ quan chức năng tính tới trong đề án nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Phía cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát, công bố danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng,... và công khai các quy định về thủ tục, hồ sơ.

Một ý khác được ông Hải nhấn mạnh là xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Giải pháp này theo ông có thể giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước.

Đồng tình với giải pháp này, chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình

đề nghị cơ quan Nhà nước cần điện tử hóa thủ tục quản lý chuyên ngành để giảm tối thiểu giấy tờ và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Ngoài ra, với danh mục hàng hóa phải kiểm tra, ông Bình cho rằng cần đổi mới cách làm và loại trừ những mặt hàng không nhất thiết kiểm tra.

"Không nên quy định kiểm tra cả một nhóm hàng như phân bón hay thép mà cần chi tiết loại phân bón, loại thép nào phải kiểm tra," ông Bình nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.