Doanh nghiệp nhỏ: Khó tiếp cận vốn vì báo cáo tài chính thiếu tin cậy

Hệ thống báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được kiểm toán nên thiếu tin cậy khiến tổ chức tín dụng khó đáp ứng nhu cầu vay vốn.
Doanh nghiệp nhỏ: Khó tiếp cận vốn vì báo cáo tài chính thiếu tin cậy ảnh 1Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nhưng khó khăn mà khối doanh nghiệp này đang gặp phải là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn nên khó tiếp cận được dòng tín dụng của ngân hàng.

Để tháo gỡ vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng các tổ chức tín dụng cần phải đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật.

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cũng là luôn sát cùng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về mức lãi suất cho vay hiện nay của ngân hàng đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Hiện nay, mức lãi suất huy động đã bám khá sát theo lạm phát nhưng về mặt lãi suất cho vay thì cần phải giảm xuống nữa. Mức lãi suất cho vay hay mức lãi suất bình quân mà doanh nghiệp đang tiếp cận vẫn tương đối cao từ 9-10%/năm, đối với các lĩnh vực ưu đãi thì 6%. Với mức lãi suất này doanh nghiệp hoạt động không có lãi. Yêu cầu thực tế đặt ra thì cần phải giảm nữa.

Chênh lệch giữa tiền lãi gửi và tiền lãi cho vay khá lớn, cũng đang ảnh hưởng đến mức lãi suất chung. Điều này làm cho các ngân hàng không có sức cạnh tranh cao. Lãi suất cho vay giảm thấp nữa thì tốt cho cả nền kinh tế chứ không phải chỉ tốt cho mỗi riêng doanh nghiệp.

Bên cạnh những cải thiện đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian qua nhằm hỗ trợ cho khối doanh nghiệp thì vẫn còn có những tồn tại khiến chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, 70% còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

- Vậy theo ông, đâu là rào cản khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Khó khăn mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn. Hệ thống báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được kiểm toán nên thiếu tin cậy khiến tổ chức tín dụng thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Tiếp theo ngân hàng cũng thường e ngại doanh nghiệp nhỏ và vừa do những hạn chế trong quản trị của doanh nghiệp khi xây dựng các chiến lược kinh doanh, làm ăn thiếu bài bản, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế khả năng tiếp cận, thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa ổn định.

Nền kinh tế Việt Nam cũng vừa trải qua một thời kỳ lạm phát, rồi giảm phát thất thường nên nhiều doanh nghiệp yếu kém đã phải rời bỏ thị trường khá nhiều.

Dữ liệu cập nhập mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng qua là 6.962 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn ở mức cao. Điều này khiến nhiều ngân hàng càng phải thắt chặt hơn khi cho doanh nghiệp vay vì sợ mất vốn.

Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chính sách bảo lãnh cho vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương, Quỹ hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chủ trương, các chính sách hỗ trợ này là đúng nhưng việc cụ thể hóa chậm, không còn phù hợp, trong khi đó năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, kể cả trong khâu tuyên truyền.

Các cơ chế mới như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân tham gia vào các dự án ODA vẫn chưa rõ ràng. Các quy định, môi trường pháp lý mặc dù trong thời gian vừa qua đã được sửa hàng loạt nhưng việc phổ biến, triển khai hoạt động, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa nhiều.

- Để tháo gỡ vấn đề này trong năm 2016, theo ông phải có những giải pháp gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tôi cho rằng, cần phải sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần phải đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật. Tạo điều kiện để xem xét cho vay đối với doanh nghiệp chất lượng tốt mà không cần dựa hoàn toàn vào tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, cần có các chính sách đảm bảo công bằng hơn giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân (trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa). Cần khẩn trương giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu, đặc biệt là cần có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: Việc khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn kinh doanh là chủ trương chung của Nhà nước, do đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng cam kết tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng nhiều hơn vào đối tượng này. Ngoài ra, sẽ tăng cường huy động vốn trong và ngoài nước và có các chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các dự án khả thi, có hiệu quả.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp, chủ động tái cấu trúc kinh doanh theo hướng cắt bỏ các dự án đầu tư những hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.