Doanh nghiệp niêm yết có thể nhận 'điểm phạt' liên quan tới khí thải

Nếu các doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải thì đây có thể là "điểm phạt" mà Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đang cân nhắc đưa thành tiêu chí đánh giá.
Doanh nghiệp niêm yết có thể nhận 'điểm phạt' liên quan tới khí thải ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước các vấn đề ngày càng nóng lên về biến đổi khí hậu cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết HOSE có thể sẽ đưa tiêu chí báo cáo khí nhà kính của kỳ báo cáo thường niên năm 2022 là “điểm phạt” nếu các doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 ở hội nghị COP26, năm 2020 Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thay thế Thông tư 155/TT-BTC ngày 6/10/2015. Thông tư mới nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp tại báo cáo thường niên.

Tại Việt Nam, các chuẩn mực, quy định, hướng dẫn đang giúp cho hoạt động công bố thông tin theo ESG (môi trường-xã hội-quản trị) trở nên phổ biến hơn: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định 01/2022/QĐ-TTG ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Đi kèm với Quyết định 01/2022 là danh sách 1.900 doanh nghiệp buộc phải kiểm kê, kê khai khí phát thải nhà kính, được chia theo 6 lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE, trong kỳ chấm điểm báo cáo thường niên năm 2021, các công ty niêm yết đã có báo cáo các số liệu cơ bản về khí nhà kính, tuy nhiên tỷ lệ tham gia chưa được cao. Do đó, nếu các doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải thì đây có thể là "điểm phạt" mà HOSE đang cân nhắc đưa thành tiêu chí đánh giá.

Bà Trần Anh Đào cũng nhấn mạnh về sự cần thiết và bắt buộc của việc kê khai khí nhà kính để từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp đều cùng đồng hành trên con đường xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng chung tay với Chính phủ trong việc triển khai nội dung giảm khí phát thải nhà kính.

[Hơn 1.900 doanh nghiệp xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính từ 2024]

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng báo cáo khí nhà kính phù hợp với yêu cầu công bố thông tin phát triển bền vững, trong tháng 3/2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức chương trình đào tạo về “Kiểm kê và báo cáo khí nhà kính” cho các doanh nghiệp niêm yết tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nghiên cứu trình bày trong hội thảo do chuyên gia của Viện Tiêu chuẩn quốc gia Vương quốc Anh (BSI) thực hiện với sự tham gia đông đảo, tích cực của các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thông qua chương trình đào tạo, các thành viên tham dự được tìm hiểu về bối cảnh quốc tế về biến đổi khí hậu, nguyên nhân và cơ chế của biến đổi khí hậu và các nguồn phát thải khí nhà kính, tiêu chuẩn ISO 14064 và được hướng dẫn về các vấn đề và nội dung cần đưa vào báo cáo, cũng như quy trình, cách thức tổ chức báo cáo và kiểm kê khí nhà kính, xác định ranh giới phát thải khí nhà kính, định lượng lượng phát thải và loại bỏ khí nhà kính, đồng thời xác định các hành động hoặc hoạt động cụ thể của công ty nhằm cải thiện quản lý khí nhà kính, theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018.

Với khung pháp lý liên quan đến nội dung báo cáo khí phát thải nhà kính, chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp một nền tảng kiến thức chung nhất về các quy định có liên quan về báo cáo khí phát thải nhà kính, cũng như những phương pháp xác định cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực. Thông qua đó, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.

Bên cạnh việc báo cáo để phục vụ nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp, việc thực hiện xác định và kê khai khí nhà kính cũng là một động thái để doanh nghiệp rà soát lại các hoạt động kinh doanh sản xuất của mình, từ đó sẽ có những điều chỉnh cắt giảm cho phù hợp với mục tiêu hoạt động cũng như phòng ngừa và quản lý rủi ro hoạt động của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.