Chiều 8/12, hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trang trí nội ngoại thất đã tham gia phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nam Phi do Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi phối hợp tổ chức.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại phiên tư vấn trực tuyến, ông Phạm Thanh Hải, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, khẳng định tất cả sản phẩm của Việt Nam đều có cơ hội vào thị trường Nam Phi.
Theo ông Hải, thị trường và người tiêu dùng tại đất nước cực Nam châu Phi này rất cởi mở với sản phẩm nước ngoài.
Hiện tại, mới chỉ có Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia châu Á có đầu tư vào Nam Phi, trong khi Việt Nam là cái tên còn khá xa lạ đối với người tiêu dùng tại quốc gia này.
[Việt Nam sẽ mang lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực đối với Nam Phi]
Chính vì vậy, ông Hải nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm của mình vào thị trường với dân số gần 60 triệu người, có hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn, phục vụ mọi đối tượng, tầng lớp người dân, trải khắp đất nước.
Nam Phi cũng được xem là "đầu tàu" của các nước miền Nam châu Phi. Cũng theo ông Hải, các nước láng giềng như Mozambique, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia và Lesotho đều có sự hiện điện của các hệ thống cửa hàng bán lẻ của Nam Phi.
Đại diện thương vụ Việt Nam cho biết tổng kim ngạch hai chiều giữa hai nước trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt giá trị 1,097 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi hàng hóa trị giá 710 triệu USD. Hai nước hướng tới đạt được tổng kim ngạch hai chiều là 1,42 tỷ USD cho cả năm 2021.
Ông Hải cho biết một số mặt hàng tiêu biểu của Việt Nam có mặt tại thị trường Nam Phi hiện tại chủ yếu là sản phẩm FDI gồm máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép… Ngoài ra, còn có một số sản phẩm xuất xứ Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều thành phẩm, gạo, chất dẻo…
Ông Hải cũng gợi ý các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực may mặc, chăn ga gối, rau và hoa quả tươi có thể tìm cơ hội phát triển sản phẩm tại Nam Phi.
Chia sẻ ý kiến của ông Hải, bà Kiều Phương - chủ doanh nghiệp Khánh Việt CC, công ty đầu mối nhập khẩu hàng Việt Nam phân phối tại thị trường Nam Phi, cho biết một trong những thuận lợi để đưa sản phẩm Việt Nam sang Nam Phi là Việt Nam có những sản phẩm mà các nước khác không thể cạnh tranh.
Một số sản phẩm của Việt Nam mà doanh nghiệp Khánh Việt đã hết sức thành công trong việc duy trì đơn hàng tại Nam Phi bao gồm gốm đất đỏ Vĩnh Long, men gốm Bình Dương, đồ gỗ ngoại thất ngoài trời là những sản phẩm rất đặc trưng Việt Nam.
Theo bà Phương, một điều đặc biệt nữa là khí hậu và thổ nhưỡng Nam Phi không phù hợp với việc trồng lúa gạo nên sản phẩm lúa gạo của Việt Nam cũng có được chỗ đứng trên thị trường Nam Phi.
Người tiêu dùng Nam Phi cũng biết đến Việt Nam nhiều hơn qua các kênh du lịch. Đây cũng là một thuận lợi cho sản phẩm của Việt Nam tìm đường đến với thị trường Nam Phi.
Tuy nhiên, bà Phương cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi rất ít, đây là một trong những khó khăn trong việc quảng bá và duy trì đơn hàng sản phẩm Việt Nam tại đây. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc và Thái Lan.
Là nhà nhập khẩu hàng Việt Nam lâu năm, bà Phương cũng nêu một số khó khăn trong việc phát triển thị trường bào gồm khó lấy hàng xuất khẩu vì chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, hàng hóa nội địa thì nhãn mác không có tiếng Anh, hạn sử dụng ngắn, không đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của Nam Phi.
Ngoài ra, bà Phương cũng nêu một số khó khăn khi tìm nhà cung cấp và giá vận chuyển ngày càng tăng do dịch bệnh diễn diến phức tạp.
Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình phân phối và phát triển các sản phẩm Việt Nam tại Nam Phi, bà Phương cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam rằng "Nam Phi rất nghiêm ngặt trong việc kiểm tra số lượng khai báo với hải quan." Bà cũng lưu ý, tại Nam Phi, vấn đề bản quyền thương hiệu được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Tại phiên tư vấn, các doanh nghiệp Việt Nam đã có phần trao đổi và giao lưu với đại diện thương vụ và doanh nghiệp Việt Nam tại Nam Phi.
Rất nhiều câu hỏi về phương thức hoạt động phát triển thị trường, yêu cầu về xuất xứ và chất lượng hàng hóa cũng như cơ hội hợp tác, đầu tư được đặt ra.
Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường trực tiếp đồng thời cũng chia sẻ một vài vấn đề về gian lận thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi từng xảy ra.
Ông Hải cho biết doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu phát triển sản phẩm tại Nam Phi có thể liên hệ cơ quan thương vụ để có được sự trợ giúp về thông tin chính xác và cụ thể, đề phòng nguy cơ có thể xảy ra./.