Doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi xúc tiến giao thương và hợp tác

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho biết thương mại là nền tảng quan trọng của quan hệ kinh tế song phương, đồng thời cũng nhấn mạnh tiềm năng trao đổi hàng hóa giữa hai nước là rất lớn.
Doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi xúc tiến giao thương và hợp tác ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Ngày 4/11, các doanh nghiệp đến từ Việt Nam và doanh nghiệp, chuỗi siêu thị lớn tại Nam Phi đã tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Durban (Nam Phi) 2022 nhằm xúc tiến giao thương, tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư vào thị trường của nhau được tổ chức tại thành phố cảng Durban, Cộng hòa Nam Phi.

Đây là mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi do Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cùng các phòng thương mại và công nghiệp địa phương tại Nam Phi tổ chức.

Ngoài hoạt động tại Durban, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Pretoria, Johannesburg và Cape Town.

Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại lớn nhất giữa hai nước sau quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho biết: "Thương mại được coi là một trong nền tảng quan trọng của quan hệ kinh tế song phương Việt Nam-Nam Phi," đồng thời cũng nhấn mạnh tiềm năng trao đổi hàng hóa giữa hai nước là rất lớn.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi nhận định về đầu tư, sự kết nối sâu rộng trong các lĩnh vực thương mại sẽ mang lại dòng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Nam Phi.

[Đưa quan hệ Việt Nam-Nam Phi đi vào chiều sâu, thực chất]

Đại sứ nhấn mạnh: "Với việc nâng cao hiểu biết thông qua làm việc với các đối tác Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến thị trường Nam Phi và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trực tiếp, nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Nam Phi đã ký kết với các thị trường lớn, bao gồm Mỹ và châu Âu, cũng như toàn bộ thị trường châu Phi (AfFTA)."

Theo Đại sứ, "mô hình liên doanh là một gợi ý triển vọng cho dòng vốn Việt Nam vào Nam Phi, trong một số lĩnh vực tiềm năng như sản xuất năng lượng sạch, nước sạch, đồ gỗ, đồ gia dụng, dệt may, chế biến nông sản..."

Doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi xúc tiến giao thương và hợp tác ảnh 2Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho biết Đại sứ quán Việt Nam cùng Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi sẽ nỗ lực hết mình để làm cầu nối kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vì lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích chung của hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Tham dự diễn đàn lần này, gần 20 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều ngành hàng bao gồm nông sản, thực phẩm, tiêu dùng, xây dựng… đã có cơ hội trình bày và giới thiệu về sản phẩm của mình, đồng thời có các cuộc tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng lớn như SPAR, Makro tại Nam Phi.

Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nam Phi đã đạt trên 1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm và dự kiến sẽ đạt 1,3 tỷ USD trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.