Doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore cần làm gì để chuyển đổi số?

Việc chuyển đổi kỹ thuật số của những doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đã trở thành một ưu tiên quốc gia của Singapore.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore cần làm gì để chuyển đổi số? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 9/3/2021, tờ Business Times (Singapore) đã đăng tải bài viết của tác giả Jimmy Ong và Samir Bedi (thuộc mảng tư vấn của công ty Ernst & Young Advisory Pte Ltd - EY) về cách thức để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore làm chủ tiến trình kỹ thuật số hóa.

Theo bài viết, trong Ngân sách Singapore 2021, với 1 tỷ đôla Singapore (SGD) dành riêng cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trưởng thành áp dụng giải pháp kỹ thuật số và công nghệ mới, việc chuyển đổi kỹ thuật số của những doanh nghiệp này, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đã trở thành một ưu tiên quốc gia.

Những hạn chế khi tiến hành chuyển đổi

Các doanh nghiệp SME đang ngày càng đánh giá cao vai trò của số hóa đối với việc cải thiện năng suất, tạo ra các cơ hội mới, mở cửa thị trường, tăng tốc độ phục hồi sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo một cuộc khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore được công bố vào tháng 1/2021, có tới 84% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số.

[Thực trạng lộ trình số hóa tiền tệ, công nghệ blockchain ở Đông Nam Á]

Tuy nhiên, những nỗ lực số hóa này có thể không nhất thiết dẫn đến việc chuyển đổi số thành công. Ý tưởng cốt lõi của chuyển đổi không chỉ đơn giản là di chuyển một sản phẩm, một dịch vụ hoặc một giải pháp hiện có sang hình thức trực tuyến.

Thay vào đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần đổi mới mô hình kinh doanh theo những cách có thể tận dụng tiến bộ công nghệ để đưa ra sự kết nối với khách hàng và tạo ra các nguồn thu nhập mới.

Những thay đổi đáng kể về cấu trúc và quy trình cần thiết trong chuyển đổi kỹ thuật số sẽ luôn đặt ra những thách thức.

Để có thể vượt qua những rào cản này trong bối cảnh bất ổn kinh tế hiện tại và những hạn chế về nguồn lực nội bộ, các doanh nghiệp SME nên hướng sự tìm kiếm ra bên ngoài để tận dụng các kế hoạch có sẵn của Chính phủ Singapore và hợp tác, phối hợp với các bên liên quan trong hệ sinh thái này.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore cần làm gì để chuyển đổi số? ảnh 2(Nguồn: efax.com.sg)

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện có nhiều doanh nghiệp SME vừa thiếu khả năng lãnh đạo kỹ thuật số ở các vị trí đứng đầu cũng như có tầm nhìn thiếu rõ ràng và kém hấp dẫn về lộ trình phát triển kỹ thuật số.

Điều này thường là do sự thiếu hụt chuyên môn kỹ thuật số ở cấp lãnh đạo và không đủ dữ liệu để xác định chính xác các cơ hội đến từ việc chuyển đổi kỹ thuật số.

Lời giải từ kế hoạch Ngân sách Singapore 2021

Trong bối cảnh đó, Chương trình Lãnh đạo Kỹ thuật số mới được công bố trong khuôn khổ Ngân sách Singapore 2021 là rất hữu ích, vì chương trình hướng đến việc giúp các doanh nghiệp SME xây dựng năng lực công nghệ, cũng như phát triển và triển khai các lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số thông qua việc hỗ trợ cấp vốn. Với lộ trình đã được đưa ra, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có thể hợp lý hóa các dự án kỹ thuật số của mình.

Các tổ chức, doanh nghiệp có tham vọng trở thành người dẫn đầu về kỹ thuật số cần phải được chuẩn bị để nắm bắt các công nghệ mới đang nổi lên như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và Internet Vạn Vật (IoT).

Mặc dù tiềm năng tạo ra giá trị của các kỹ thuật công nghệ này là ở mức cao, nhưng bản chất phát triển của chúng tạo ra một số mức độ không chắc chắn và các doanh nghiệp thường phải chịu áp lực chi phí liên tục.

Vì vậy, các sáng kiến có lợi tức, mang lại lơi ích đầu tư ngắn hạn và hữu hình hơn thường có thể được ưu tiên triển khai hơn các chương trình số hóa dài hạn có thể không mang lại những lợi ích có tính định lượng rõ ràng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp SME đang phải vật lộn để thu hút đầu tư trong các công nghệ thí điểm sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi họ có thể bù đắp một số chi phí thông qua việc tiếp nhận sự "đồng tài trợ" có trong Chương trình Công nghệ Mới nổi mới được công bố tại Ngân sách Singapore 2021.

Song song với đó, chương trình Khoản tài trợ phát triển doanh nghiệp nâng cao cũng sẽ tài trợ tới 80% chi phí dự án cho chuyển đổi kỹ thuật số.

Ngoài những mối lo ngại về vấn đề chi phí, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ cần giảm thiểu các mối rủi ro kỹ thuật số của họ. Tất cả các công nghệ đều hoạt động trên dữ liệu tổ chức và dữ liệu khách hàng, đồng thời có thể là mục tiêu của các loại tội phạm mạng.

Nếu không có các biện pháp đảm bảo an ninh mạng thích hợp, các biện pháp giảm thiểu rủi ro hoặc thiếu sự tuân thủ và không có các quy trình bảo mật tại chỗ, các tổ chức, doanh nghiệp có nguy cơ "phơi mình" cho các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gặp sự cố hoặc bị đánh cắp dữ liệu.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp SME nên xem xét khai thác các chuyên gia công nghệ thông qua sáng kiến Giám đốc Công nghệ-Dịch vụ (CTOaaS) mới.

Với CTOaaS, kiến thức chuyên môn bên ngoài tổ chức, doanh nghiệp có thể giúp các doanh nghiệp SME hiểu cách họ có thể kết hợp chiến lược và thực thi với các kỹ năng mềm để truyền cảm hứng lãnh đạo và đào tạo các nhóm để chuyển đổi doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro chuyển đổi kỹ thuật số.

Tuy nhiên, vẫn có rủi ro ngay cả khi những kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số tốt nhất cũng sẽ trở nên vô ích nếu không có nhân tài phù hợp. Do đó, việc xây dựng lực lượng lao động có tay nghề kỹ thuật số vốn đã nằm trong chương trình nghị sự quốc gia Singapore và doanh nghiệp nước này trong vài năm qua.

Theo nghiên cứu "Tái thiết kế cho nền kinh tế số" của EY về các doanh nghiệp SME ở Đông Nam Á thì nhiều doanh nghiệp SME đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc đào tạo lại và chuyển đổi đội ngũ nhân viên hiện có sang hướng tiếp cận và làm quen với "văn hóa kỹ thuật số."

Khả năng chống lại sự thay đổi, đặc biệt là khi nói đến các quy trình mới đột phá và các công nghệ mới lạ, không phải là điều hiếm thấy.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải giảm bớt các mối lo ngại rằng các công nghệ mới sẽ luôn thay thế công việc; và cuối cùng cần tái thiết kế công việc và đào tạo nhân viên để sẵn sàng đáp ứng cho vai trò mới của họ.

Tuy nhiên, việc tái thiết kế công việc và thúc đẩy phát triển các chương trình đào tạo mạnh mẽ có thể là "một hoạt động xa lạ" vốn cũng đòi hỏi cam kết vốn đáng kể và lâu dài. Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu các doanh nghiệp SME xem xét, đánh giá Khung kỹ năng quốc gia cho các lĩnh vực khác nhau để vạch ra vai trò và kỹ năng cần thiết trong tương lai.

Ngoài những điều trên, các doanh nghiệp SME cũng có thể khám phá các chương trình dành riêng cho ngành như Chương trình Hỗ trợ Sáng kiến Nguồn nhân lực i4.0 cho lĩnh vực sản xuất hoặc chương trình Triển khai RPA cho ngành dịch vụ thực phẩm và bán lẻ, vốn được nhắm mục tiêu và tạo sắc thái cho các lĩnh vực này với tiềm năng lớn về tăng năng suất từ số hóa.

Ngoài việc xây dựng năng lực trong nội bộ và tiếp cận các nhân tài bên ngoài, việc khai thác hệ sinh thái rộng lớn hơn để có được sự hỗ trợ và có thêm các quan hệ đối tác sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp SME (vốn có nguồn lực thời gian hữu hạn) tiền bạc và kỹ năng, cung cấp cơ hội chia sẻ tài nguyên và điều chỉnh năng lực để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng.

Trong một môi trường ngày càng không chắc chắn, thiếu ổn định, việc chuyển đổi kỹ thuật số sẽ cho phép các công ty duy trì khả năng phục hồi, cạnh tranh mạnh mẽ và đảm bảo có được các con đường tăng trưởng mới.

Các doanh nghiệp SME phải làm chủ được "hành trình số hóa" của mình, chủ động đánh giá và tận dụng những chương trình hỗ trợ khác nhau để có thể đối mặt với những thách thức trong nỗ lực mang tính chiến lược này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.