Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn cần nhiều chiến lược

Mặc dù bị nhiều áp lực về rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu nhưng cá tra vẫn vươn lên trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp vẫn cần nhiều chiến lược để phát triển.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn cần nhiều chiến lược ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Mặc dù bị nhiều áp lực về rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu nhưng 10 năm qua cá tra vẫn vươn lên trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn cần nhiều chiến lược cụ thể để phát triển bền vững và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.

Khẳng định chất lượng

Chia sẻ về vấn đề truyền thông nước ngoài gây bất lợi cho con cá tra Việt Nam, các chuyên gia ngành cá tra cho biết, động cơ tung những thông tin cũng như hình ảnh xấu về cá tra Việt Nam trong thời gian qua mang tính chất bảo hộ sản phẩm tương tự tại quốc gia đó.

Sự tấn công của các nhóm cạnh tranh nhằm giảm lượng tiêu thụ sản phẩm cá tra tại quốc gia sở tại, hướng người tiêu dùng đến sản phẩm mà họ muốn cạnh tranh.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng vì tình trạng cá tra bị bêu xấu mà trong quý 2 vừa qua, sản lượng cá tra nhập khẩu vào Tây Ban Nha và các nước châu Âu giảm hẳn; trong đó, thị trường Tây Ban Nha giảm mạnh nhất, 67% so với cùng kỳ năm 2016.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì truyền thông nước ngoài đã lợi dụng những thông tin tiêu cực từ truyền thông trong nước, sao chép, cắt dán phục vụ cho mục đích riêng của họ, nhằm làm giảm uy tín của con cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra, sản lượng cá tra xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh trở lại, thậm chí mở rộng ra 160 thị trường trên thế giới.

Cụ thể là hành động lập website dành cho người tiêu dùng nước ngoài như Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Italy.

Cùng đó, lập các trang mạng xã hội như facebook, twitter, instagram nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin từ ao nuôi đến khâu chế biến, đóng gói, thành phần dinh dưỡng cũng như đa dạng sản phẩm để người tiêu dùng có nhiều cơ hội đối chiếu chất lượng. Từ đó quyết định lựa chọn sản phẩm cá tra Việt Nam.

Chính vì vậy, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tăng vọt trở lại như sang châu Âu tăng 23%, Trung Quốc tăng 43%, Brazil tăng 58%, Mỹ tăng 8,4%. Điều này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 8 tháng năm ​nay đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ​trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự VASEP, ngành cá tra muốn giữ vững thị trường, phải chú trọng vào chất lượng, không nên vì lợi nhỏ trước mắt mà từ bỏ cái lợi lớn lâu dài.

[Doanh nghiệp vẫn lạc quan khi Mỹ kiểm tra cá tra Việt Nam]

Tuy nhiên, để làm được điều này các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra phải đồng thuận và hợp tác với nhau trong việc tung sản phẩm ra thị trường, tránh việc để bán được sản phẩm, có doanh nghiệp đã phá giá, giảm giá sản phẩm cá tra tại thị trường nước ngoài.

Kiểm soát thông tin trong nước

Để cá tra chất lượng được nhiều quốc gia biết đến và được nhiều siêu thị tại nước ngoài mạnh dạn trưng bày trên kệ hàng thì ngành cá tra cần có một chiến lược marketing mạnh mẽ hơn nữa.

Nhiều chuyên gia ngành cá bày tỏ, chất lượng tốt đi kèm với hình ảnh tốt sẽ là "đòn bẩy" cho con cá “bật” mạnh hơn trong cuộc chiến cạnh tranh sản phẩm khác trên thế giới.

Ngoài vấn đề truyền thông trong nước tích cực góp phần nâng cao hình ảnh tốt của con cá tra, những bài báo khoa học, nghiên cứu của con cá tra cũng có đóng góp không nhỏ.

Hiện nay, số lượng bài báo cáo về con cá tra được công bố trên các trang mạng, hệ thống truyền thông quốc tế chỉ chiếm tổng số 21 bài. Trong khi đó, các bài nghiên cứu về con cá hồi của Na Uy, con cá tuyết của Mỹ chiếm hơn 2.000 bài trên các trang báo quốc tế.

"Vì vậy, Việt Nam cần nhiều bài nghiên cứu khoa học công bố quốc tế hơn nữa để thúc đẩy con cá tra phát triển," bà Tô Thị Tường Lan chia sẻ.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Tập đoàn Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, những thông tin công bố từ phía các Viện nghiên cứu, các trường đại học rất quan trọng. Nhưng người tiêu dùng sẽ khó phân biệt và nhận dạng giữa thông tin khoa học và thông tin xã hội.

Do đó, những thông tin này phải được giải thích rõ ràng khi công bố, để tránh truyền thông trong nước hiểu sai vấn đề, gây thiệt hại cho cá tra Việt Nam.

Không những thế, với những nguồn tin sai sự thật, gây thiệt hại cho cá tra cũng cần được xử lý nghiêm khắc để tránh gây hậu quả về sau.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn cần nhiều chiến lược ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bởi vì, khi con cá tra bị bêu xấu sai sự thật, không chỉ doanh nghiệp thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ nông dân đang nuôi cá tra, cũng như nguồn thu nhập nuôi sống họ bao năm qua.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Chính phủ cũng đã công bố Nghị định 55/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 36/2014 về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, ban hành quy chuẩn, tỷ lệ mạ băng để các doanh nghiệp thực hiện sản xuất cá tra theo đúng chất lượng, khẳng định chất lượng của con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học-Công nghệ chương trình quốc gia cá da trơn, xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị cao, mà doanh nghiệp thực hiện trước tiên là Tập đoàn Vĩnh Hoàn rất thành công.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải thay đổi tư duy sản xuất con giống cá tra chất lượng cao.

Các đơn vị quản lý nông nghiệp tại các địa phương hướng dẫn nông dân liên kết doanh nghiệp thành chuỗi sản xuất con giống cá tra sạch bệnh, có đầu tư kỹ thuật thay vì chỉ làm từng hộ nhỏ lẻ như trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.