Trước dự báo triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam đến cuối năm tích cực ở cả phía cầu thế giới và giá, các doanh nghiệp ngành gạo đang tập trung nguồn lực sản xuất hướng tới xuất khẩu nhằm đón đầu cơ hội bứt tốc về doanh thu và gia tăng lợi nhuận trong năm 2023.
Theo các chuyên gia, quý 2 vừa qua, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng với nhiều kết quả tích cực, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh.
Cùng đó, thị trường tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,27 triệu tấn, giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân thời gian này ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
[Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm]
Một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết xuất khẩu gạo của cả nước năm nay sẽ vượt 6,5 triệu tấn, nhưng vẫn dưới mức 7,1 triệu tấn của năm ngoái.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy 95.200 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-12/7, với phần lớn gạo được chuyển đến châu Phi, Indonesia và Philippines.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia..) gia tăng.
Với dự báo này, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.
Theo Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Nhất Việt, nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu các thị trường lớn đang tăng lên do thời tiết bất lợi.
Như Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023 do hạn hạn kéo dài. Trong khi đó, tồn kho tại Phillipines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo.
USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023. Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia; trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất.
Mới nhất, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang cho biết, công ty vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong số các nước xuất khẩu gạo.
Đơn hàng sẽ được thực hiện trong tháng 7/2023. Trước đó, cũng tại thị trường này, công ty vừa giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo.
Ông Nguyễn Phước Nam, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang, cho biết thêm đơn hàng liên tục được ký mới, giúp doanh thu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng khoảng 30% so cùng kỳ năm 2022.
Các doanh nghiệp cũng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như cải thiện chất lượng gạo xuất khẩu. Như Tập đoàn Lộc Trời, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính, song cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam-EU (EVFTA), doanh nghiệp này đã tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu (EU).
Tập đoàn Lộc Trời cũng đã sáp nhập Công ty Lương thực Lộc Nhân với 3 nhà máy sản xuất vào hệ sinh thái của doanh nghiệp, giúp tăng công suất, nâng cao sản lượng ở mảng lương thực, từ đó trở thành động lực tăng trưởng chính cho doanh nghiệp trong năm nay.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng để hạt gạo Việt Nam có giá trị cao hơn, ngoài khâu giống, canh tác còn khâu chế biến và thị trường xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung chuẩn hóa vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu gạo chất lượng cao xuất khẩu.
Như gạo Lộc Trời có thương hiệu bán lẻ tại thị trường EU với giá bán lên tới 4.000 USD/tấn, trong khi gạo bình thường xuất khẩu chỉ khoảng 800-900 USD/tấn.
Cùng với thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu ngày càng tăng, chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong thời gian tới do động thái từ châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng giúp doanh nghiệp tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận.
Giá khí đốt là nguyên liệu đầu vào của phân bón được dự báo giảm nhờ các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga; đồng thời, gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt mạnh tay.
Việc Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022 giúp bổ sung nguồn cung phân bón trên thế giới. Trên cơ sở này, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo, giá phân Ure có thể giảm 10% trong năm 2023 và giảm tiếp 8% trong năm 2024.
Tuy vậy, về phía các doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đến việc tăng vốn dài hạn kịp thời để sản xuất và xuất khẩu gạo, thay vì vốn ngắn hạn để thu mua thóc khi vào vụ.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, cho biết doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung-dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Với vốn ngắn hạn, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho rằng các ngân hàng nên có chính sách kịp thời cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn trong thu mua.
Trước đó, ngày 3/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó nhấn mạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.”
Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch 13/7, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời có giá 31.900 đồng, cổ phiếu TAR của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có giá 17.300 đồng, cổ phiếu VFS của Tổng công ty Lương thực miền Nam- CTCP có giá 8.000 đồng, cổ phiếu AGM của Công ty Xuất nhập khẩu An Giang có giá 5.870 đồng/đơn vị./.